Những năm gần đây, tỉnh Trà Vinh có nhiều nỗ lực đẩy mạnh khôi phục và phát triển làng nghề, để tạo việc làm mới cho lao động nông thôn (LĐNT). Đây được xem là một trong những giải pháp có nhiều đóng góp vào công tác dạy nghề, truyền nghề và giải quyết việc làm ở nhiều địa phương của tỉnh Trà Vinh hiện nay.

Từ năm 2014, tỉnh Trà Vinh đã giao các đơn vị liên quan thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khôi phục, bảo tồn và phát triển các làng nghề giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân tỉnh Trà Vinh”. Vấn đề đặt ra cần phải làm gì và làm như thế nào để khôi phục và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống gắn với các sản phẩm thủ công từng có "tên tuổi" trên thương trường - đồng nghĩa với việc giúp người LĐNT có thêm việc làm, tăng thu nhập. Đây là vấn đề trăn trở của chính quyền các cấp, các ngành và người dân Trà Vinh nhiều năm qua.


Với lợi thế của những làng nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân, nhiều địa phương đã tạo được những bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu lao động. Đồng thời, quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Xã Hưng Mỹ, huyện châu Thành là một trong những địa phương phát triển làng nghề  khá mạnh. Từ năm 2007, Hưng Mỹ đã được công nhận làng nghề truyền thống của Tỉnh. Lợi thế sẵn có của Hưng Mỹ là nguồn lao động dồi dào, địa phương tập trung chủ yếu sản xuất các mặt hàng thủ công như dệt thảm, chiếu, đan giỏ mỹ nghệ và nhiều vật dụng trang trí khác, bằng nguyên liệu như: Dây nhựa màu,  dây lục bình, lác, tơ xơ dừa. Đây là những nghề dễ học, dễ làm nên thu hút nhiều LĐNT, nhất làphụ nữ đến học nghề và làm việc ngay tại các cơ sở làng nghề. Hàng năm, xã Hưng Mỹ đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện Châu Thành, Trung tâm Khuyến công tỉnh Trà Vinh mở các lớp dạy nghề đan đát, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, với thu nhập bình quân từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/người /tháng. Hiện toàn xã Hưng Mỹ có trên 2.600 lao động có việc làm thường xuyên, trong số đó lao động tại chỗ là trên 1.400 lao động chiếm trên 50%, đa số tập trung làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn. 


Ngoài xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành còn có xã Lương Hòa được công nhận làng nghề truyền thống cũng đã góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động ở địa phương trong những năm gần đây. Làng nghề đan đát thủ công mỹ nghệ xã Lương Hòa có đồng bào Khmer chiếm 50,41% tổng số nhân khẩu toàn xã. Làng nghề Lương Hòa phát triển đã đóng góp quan trọng vào việc phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thu hút được nhiều lao động nhàn rỗi, giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho rất nhiều hộ dân ở nông thôn. Đồng thời sự phát triển của làng nghề xã Lương Hòa cũng góp phần làm phong phú thêm chuỗi sản phẩm thủ công truyền thống từ nguồn nguyên liệu của địa phương, từng bước nâng cao tay nghề và bảo tồn phát huy giá trị các sản phẩm làng nghề truyền thống của Tỉnh.


Làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Đại An, huyện Trà Cú vốn là làng nghề truyền thống từ lâu đời với nhiều cơ sở sản xuất tập trung chủ yếu ở các ấp: Giồng Đình, Giồng Lớn, Cây Da, Trà Kha tạo ra các dòng sản phẩm với số lượng lớn làm từ tre, trúc như giường, bàn, ghế, xà neng, xà ngôm, rổ, rá phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, vừa để trang trí nội thất, rất được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Nhờ đó mà người lao động ở địa phương có thêm thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Với sự phát triển của các làng nghề đã góp phần tích cực vào giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động ở địa phương.


Ngọc Loan