Sử dụng nguồn kinh phí từ chương trình khuyến công quốc gia và địa phương, Trung tâm khuyến công Bình Thuận đã trở thành cầu nối, góp phần hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trong phát triển sản xuất kinh doanh …


Năm 2011, Trung tâm Khuyến công Bình Thuận đã khẳng định vai trò trong việc hỗ trợ đào tạo lao động, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, cải tiến dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN trên địa bàn Tỉnh. Với nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, 1.232 triệu đồng, Trung tâm đã triển khai thực hiện 4 đề án được phê duyệt, bao gồm đào tạo nghề may công nghiệp; đầu tư máy móc thiết bị trong dây chuyền chế biến hạt điều xuất khẩu của Công ty TNHH TM-DV Dung Đại Hưởng; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết 2 cụm công nghiệp Đức Hạnh (Đức Linh) và cụm công nghiệp Phú Long (Hàm Thuận Bắc). Trong đó, đáng ghi nhận là Trung tâm đã tổ chức đào tạo được 29/30 lớp học nghề may công nghiệp cho 871 học viên gắn với sử dụng lao động của các doanh nghiệp may, giúp lao động có tay nghề và đảm bảo hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp. Cụ thể: Công ty CP may Bình Thuận - Nhà Bè (06 lớp cho 180 lao động), Công ty TNHH May Phú Long (07 lớp cho 210 lao động), Công ty TNHH may Thuận Tiến (03 lớp cho 91 lao động) và Chi nhánh Công ty CP may Phương Đông – Xí nghiệp may Tuy Phong (13 lớp cho 390 lao động). Học viên sau khi học thành nghề được các doanh nghiệp may ký hợp đồng làm việc ổn định với thu nhập bình quân từ 1,8-2 triệu đồng/người/tháng.

 

Theo ông Tô Văn Ba - Giám đốc Trung tâm khuyến công tỉnh Bình Thuận, bên cạnh nguồn kinh phí của Trung ương, trong năm 2011 Trung tâm Khuyến công được phê duyệt 8 đề án khuyến công địa phương, với tổng kinh phí hỗ trợ đợt 1 trên 690 triệu đồng. Qua đó, Trung tâm tiến hành hỗ trợ 2 đề án đầu tư máy móc thiết bị dây chuyền nước mắm và chế biến nước ép thanh long (cho Công ty TNHH GN-TM-DV Thiên Hồng và Công ty CP Thanh Long Việt). Đồng thời ký hợp đồng thực hiện đề án về cộng tác viên khuyến công tại 10 huyện, thị xã và thành phố; Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia hội chợ triển lãm tại Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, An Giang; Khảo sát nhu cầu, xây dựng kế hoạch và tổ chức tư vấn khuyến công trực tiếp tại cơ sở. Đồng thời hợp đồng tuyên truyền trên Báo Bình Thuận, Đài PTTH Tỉnh về các chính sách, mô hình và quá trình hoạt động khuyến công đạt hiệu quả cao… Riêng từ nguồn kinh phí đợt 2 (280 triệu đồng) Trung tâm thực hiện hỗ trợ 4 đề án của doanh nghiệp; 2 đề án về đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất bánh phở, đề án sản xuất nước đá tinh khiết và chế biến gỗ. Ông Tô Văn Ba cho biết thêm: Không chỉ dừng lại ở các hoạt động khuyến công, năm 2011 Trung tâm còn triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, với kinh phí hỗ trợ gần 550 triệu đồng.

 

Năm 2011 là năm đánh dấu một bước tiến mới trong chương trình hoạt động của Trung tâm khuyến công cả về hình thức và nội dung. Qua đó, khẳng định vai trò là cầu nối, giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ sản xuất mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí, nhân lực… trong quá trình hoạt động, nhưng theo định hướng của Trung tâm khuyến công, trong năm 2012 đơn vị sẽ tiếp tục đổi mới phương thức thực hiện một số nội dung của các chương trình; đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại, tăng cường áp dụng tiết kiệm năng lượng, áp dụng sản xuất sạch hơn vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

 

 

Lam Giang