Ưu tiên các nguồn lực cho hoạt động khuyến công để phát triển công nghiệp tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định kinh tế xã hội vùng nông thôn là nhiệm vụ quan trọng của khuyến công các địa phương khu vực phía Bắc.


Báo cáo của Cục Công nhiệp địa phương, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2014 là 98,911 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ là 47,530 tỷ đồng chiếm 54% tổng kinh phí khuyến công quốc gia cả nước và chiếm 48% kinh phí khuyến công toàn khu vực. Trong 9 tháng đầu năm đã có 26/28 tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương, với tổng kinh phí 51,380 tỷ đồng chiếm 44% tổng kinh phí khuyến công địa phương của cả nước.


Từ nguồn kinh phí đó, theo kế hoạch, năm 2014, khuyến công các tỉnh phía Bắc sẽ triển khai hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề cho 29.513 lao động nông thôn, với kinh phí 29,154 tỷ đồng. Trong đó có 14.127 lao động được đào tạo từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia chiếm 56,86%, kinh phí khuyến công địa phương đào tạo 15.386 lao động. Với chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, các tỉnh cũng dự định sẽ hỗ trợ xây dựng 47 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ 208 cơ sở ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất; tổng kinh phí hỗ trợ 27,777 tỷ đồng, chiếm 28,08% kinh phí toàn khu vực, trong đó, khuyến công quốc gia hỗ trợ 8,610 tỷ đồng, khuyến công địa phương hỗ trợ 19,167 tỷ đồng.


Năm 2014, các tỉnh phía Bắc cũng sẽ tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản lý và khởi sự cho 4.130 lượt người; hỗ trợ cho khoảng 436 cơ sở CNNT tham gia các hội chợ với tổng kinh phí hỗ trợ 12,316 tỷ đồng; hỗ trợ thành lập cho 55 doanh nghiệp với tổng kinh phí là 850,80 triệu đồng; hỗ trợ 10,742 tỷ đồng cho chương trình cung cấp thông tin…


Mặc dù trong điều kiện nguồn kinh phí hạn hẹp, hoạt động sản xuất công nghiệp còn gặp khó khăn, xong khuyến công các tỉnh đã tích cực triển khai hiệu quả các chương trình kế hoạch. Trong 9 tháng đầu năm các tỉnh khu vực phía Bắc đã tổ chức đào tạo nghề cho 24.423 lao động, với kinh phí giải ngân là 22,254 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch kinh phí chương trình, chiếm 36% tổng kinh phí khu vực. Trong đó khuyến công quốc gia đào tạo khoảng 9.567 lao động, khuyến công địa phương đào tạo khoảng 12.856 lao động. Các tỉnh cũng đã đào tạo, nâng cao năng lực quản lý và khởi sự doanh nghiệp cho 2.406 lượt người, chủ yếu là cán bộ quản lý, điều hành cho các cơ sở CNNT. Đào tạo chủ yếu theo nhu cầu của nhiều doanh nghiệp như: Kỹ năng quản trị doanh nghiệp; quản lý chất lượng sản phẩm; nâng cao kỹ năng tiếp cận mạng lưới phân phối, năng lực ứng dụng thương mại điện tử…


Cũng trong 9 tháng đầu năm, khuyến công các tỉnh đã tổ chức trình diễn được 27 mô hình trình diễn kỹ thuật, hoàn thành việc hỗ trợ cho 136 cơ sở ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào dây truyền sản xuất công nghiệp. Đã giải ngân được 19,322 tỷ đồng, đạt 69,56% kế hoạch kinh phí của chương trình; tổ chức hỗ trợ 5,060 tỷ đồng cho 300 cơ sở CNTT tham gia hội chợ trong nước với 538 gian hàng; hỗ trợ 316,8 triệu đồng cho chương trình tư vấn, trợ giúp cơ sở CNNT và 4,739 tỷ đồng cho chương trình cung cấp thông tin…


Ngoài các hoạt động khuyến công thực hiện theo chương trình, một số địa phương còn có các hoạt động khác để hỗ trợ các cơ sở CNNT như tổ chức khảo sát, học tập kinh nghiệm xét tặng nghệ nhân và phát triển tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ thực hiện liên kết, hợp tác phát triển giữa các tỉnh; hỗ trợ có thu hồi, đầu tư trang thiết bị cho các Trung tâm khuyến công tỉnh,… với tổng kinh phí là 4,919 tỷ đồng.


Tuy nhiên, Báo cáo của Cục CNĐP cũng cho biết, trong quá trình triển khai hoạt động, công tác khuyến công vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Một số địa phương chưa có các đề án điểm, đề án mang tính liên tỉnh, liên vùng và có sức lan toả lớn; tổ chức thanh quyết toán còn chậm; cán bộ làm công tác khuyến công của một số đơn vị còn thiếu, hệ thống mạng lưới khuyến công chưa hoàn thiện; kết quả thực hiện, mức độ hoàn thành kế hoạch chưa cao…


Để thực hoàn thành nhiệm vụ năm 2014, Phó Cục trưởng Cục CNĐP Phan Văn Bản đề nghị các Trung tâm tập trung đẩy mạnh hoạt động khuyến công. Ưu tiên các nguồn lực cho hoạt động khuyến công để phát triển công nghiệp tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định kinh tế xã hội vùng nông thôn.


Quan tâm xây dựng các chương trình, đề án khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm với nguồn kinh phí lớn, nhằm tạo sự bứt phá và có bước chuyển rõ rệt cho sự phát triển của ngành. Tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ngành và hoạt động khuyến công; vừa phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, đồng thời liên kết khai thác có hiệu quả nhất tiềm năng thế mạnh của cả vùng.


Bảo Ngọc