Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2020 sẽ có khoảng 95 làng nghề, tạo việc làm cho 65.000 lao động, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề chiếm từ 50% đến 55% trên tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.

 

Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, Vĩnh Long đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để mọi tầng lớp nhân dân và vận động cả hệ thống chính trị tham gia; thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện, bao gồm nguồn lực từ ngân sách địa phương các cấp, vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, các nguồn vận động khác và khoản đóng góp tự nguyện của người dân địa phương. Chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng điện phục vụ địa bàn nông thôn; phải đảm bảo thiết kế lưới điện đến tất cả các khu dân cư mới được qui hoạch. Xây dựng các trạm biến áp 3 pha tại các trung tâm, khu dân cư, các cụm CN-TTCN và các cơ sở công nghiệp có qui mô lớn, các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung nhằm phục vụ cho mục đích CN-TTCN. Khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn nông thôn trên cơ sở phối hợp thực hiện các dự án thuộc Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Vĩnh Long, thực hiện các dự án hỗ trợ làng nghề về đất đai và cơ sở hạ tầng, đào tạo và truyền nghề, xúc tiến thương mại…

 

Phối hợp cùng các địa phương thực hiện Chương trình phát triển các khu, cụm công nghiệp ở các huyện nhằm tạo điều kiện phát triển công nghiệp trên địa bàn nông thôn và hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn theo định hướng từng bước xây dựng mỗi làng một nghề. Triển khai thực hiện các chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề theo đề án phát triển CN-TTCN phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2011-2015 tầm nhìn 2020. Tăng cường hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh lồng ghép với mục tiêu hỗ trợ các xã thực hiện đề án xây dựng xã nông thôn mới.

 

Sở Công Thương còn phối hợp với Ban chỉ đạo đào tạo nghề nông thôn tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch và thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn hàng năm trong giai đoạn 2011-2015, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương. Thực hiện đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn góp phần thực hiện tiêu chí thứ 10 về thu nhập bình quân của người dân. Hỗ trợ làng nghề CN-TTCN sản xuất ổn định và phát triển. Hỗ trợ các xã xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm CN-TTCN, làng nghề. Xây dựng và triển khai thực hiện đề án hỗ trợ phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh. Khảo sát các xã có nhu cầu xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm CN-TTCN nông thôn. Phòng Kinh tế - hạ tầng, Phòng Công Thương lập văn bản trình UBND huyện đề nghị Sở Công Thương hỗ trợ. Sở Công Thương sẽ xem xét hỗ trợ xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý theo chức năng.

Tại 22 xã điểm xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Long khuyến khích nhân rộng các mô hình dạy nghề nông nghiệp, nâng cao kiến thức hộ nông dân ứng dụng vào sản xuất kết hợp với các mô hình dạy nghề phi nông nghiệp, gắn với hoạt động của hợp tác xã, làng nghề như dạy nghề đan đát, se lõi cói gắn với làng nghề sản xuất và sơ chế cói xã Thanh Bình, Quới Thiện; dạy nghề trồng và sơ chế nấm rơm gắn với làng nghề sản xuất nấm rơm xã Trung Thành (huyện Vũng Liêm); dạy nghề tạo hình sản phẩm gốm gắn với làng nghề gốm đỏ xã Mỹ An (huyện Mang Thít).

 

Thực hiện chương trình phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nghề giai đoạn 2011 – 2015, đến nay tỉnh Vĩnh Long đã nâng tỷ lệ lao động có chuyên môn đào tạo lên gần 42%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt hơn 26%; tỷ lệ lao động nông thôn được giải quyết việc làm, giới thiệu việc làm chiếm trên 80% số lao động được hỗ trợ đào tạo; riêng tỷ lệ lao động qua đào tạo tại các xã nông thôn mới đạt hơn 30%. Mục tiêu của tỉnh Vĩnh Long là phấn đấu đưa tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật đạt 55% vào năm 2015 và đạt 75% vào năm 2020.

 

Khánh Ngọc