Tính đến nay toàn tỉnh Vĩnh Long có 110 chợ (1 chợ hạng I, 16 chợ hạng II, 85 chợ hạng III và 8 chợ tạm). Qua 4 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 7 (xây dựng chợ) đã được triển khai đồng bộ tại các địa phương và mang lại hiệu quả rất thiết thực.

 

Theo Sở Công Thương Vĩnh Long, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 19 nhà lồng chợ với tổng vốn 7 tỷ đồng. 29/89 xã nông thôn mới đạt tiêu chí về chợ. Trong đó có 15/22 xã điểm của tỉnh đạt tiêu chí về chợ. Có 9 doanh nghiệp và 5 hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng kinh doanh, khai thác quản lý 16 chợ trên địa bàn tỉnh. Trong đó thực hiện chuyển đổi từ ban quản lý chợ sang doanh nghiệp là 2 chợ; chuyển đổi sang mô hình HTX 5 chợ và 7 chợ do doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng, khai thác quản lý; 01 chợ tư nhân và 01 khu thương mại dịch vụ. Dự kiến cuối năm 2015 có 14 xã đăng ký đạt tiêu chí về chợ, nâng tổng số lên 43/89 xã đạt tiêu chí về chợ.


Khó khăn hiện nay là công tác quy hoạch, lập dự án kêu gọi đầu tư chợ ở một số huyện, thị, thành phố thực hiện còn chậm theo yêu cầu kế hoạch đề ra hàng năm. Một số dự án phải điều chỉnh nhiều lần, quy mô dự án quá lớn không phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, khó thu hút được các nhà đầu tư. Việc quyết định thu hồi đất xây dựng chợ, thực hiện chính sách bồi hoàn giải tỏa xây dựng khu tái định cư mất nhiều thời gian.


Theo kế hoạch, thời gian tới, toàn tỉnh Vĩnh Long sẽ xây dựng, cải tạo nâng cấp, lập dự án và kêu gọi đầu tư phát triển 16 chợ, ước tổng vốn đầu tư 462,2 tỷ đồng (Vốn nguồn thu của chợ và ngân sách khoảng 6,2 tỷ đồng, phần còn lại là vốn kêu gọi đầu tư). Theo đó, xem xét hỗ trợ xây dựng nhà lồng chợ cho 4 xã nông thôn mới, xây dựng mới 3 chợ, nâng cấp 3 chợ. Kêu gọi đầu tư khoảng 460 tỷ đồng xây dựng 4 chợ, 4 siêu thị, 1 trung tâm thương mại.


Trên cơ sở kết quả của các chợ đã thực hiện chuyển đổi mô hình Doanh nghiệp và Hợp tác xã khai thác quản lý chợ trên địa bàn tỉnh, tỉnh Vĩnh Long đang chỉ đạo các huyện, thị, thành phố nghiên cứu lựa chọn mô hình quản lý phù hợp của từng địa phương, chọn những chợ thật sự cần thiết để thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý sao cho có hiệu quả hơn, củng cố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các chợ đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý. Đến năm 2015 các huyện, thị, thành phố chưa có mô hình chuyển đổi sẽ thực hiện thí điểm chuyển đổi 1 chợ từ mô hình Ban quản lý sang doanh nghiệp hoặc HTX khai thác quản lý chợ để rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình. Theo đó, đến năm 2015 sẽ có 9 chợ thực hiện chuyển đổi. Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống thương mại và dịch vụ thương mại, bao gồm cả việc triển khai qui hoạch mạng lưới chợ và cơ sở hạ tầng thương mại; chú trọng các giải pháp hỗ trợ đầu tư từ ngân sách và thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chợ nông thôn nhằm tăng cường lưu chuyển hàng hóa, tạo thuận lợi trong việc trao đổi, mua bán nông sản hàng hóa, giải quyết công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho nông dân, đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn và góp phần hình thành các cụm đô thị ở nông thôn (thị tứ). Triển khai hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về tiêu chí chợ nông thôn mới. Triển khai thực hiện Đề án phát triển thương mại nông thôn đến năm 2020.


Hiện Vĩnh Long đang kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà lồng chợ và các công trình phụ như nhà vệ sinh công cộng, hệ thống cấp – thoát nước, dụng cụ phòng cháy chữa cháy để đạt tiêu chí chợ nông thôn mới. Tỉnh Vĩnh Long phấn đấu chậm nhất đến năm 2015, 22 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt tiêu chí chợ.


Khánh Chi