Là nơi có nhiều làng nghề nổi tiếng với nhiều nghệ nhân giỏi, Vĩnh Phúc thường xuyên có những cuộc so tài thợ giỏi trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp cấp tỉnh. Để chuẩn bị cho ngày hội lớn của cả tỉnh, các địa phương ở Vình Phúc lần lượt phối hợp với Trung tâm Khuyến Công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp tỉnh tổ chức các hội thi tay nghề để kịp thời phát hiện và bồi dưỡng nhân tài.


Điển hình là hội thi thợ giỏi tay nghề mộc xã An Tường tổ chức vừa qua. Theo các nghệ nhân thì hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh đồ gỗ đã áp dụng cơ khí hóa, máy móc hiện đại vào sản phẩm để tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, sự khéo léo, nét chạm trổ tinh tế thì chỉ những con người có đôi bàn tay tài hoa, óc sáng tạo mới có thể tạo ra được. Với thế mạnh đặc trưng là đan lát và chẻ vót mây, xã Cao Phong tổ chức hội thi tay nghề thợ giỏi tiểu thủ công nghiệp với các nội dung thi: chẻ nan và hoàn thiện sản phẩm rổ, dần, sàng thưa, đan nơm; đan xiên và hoàn thiện sản phẩm chao đèn và chẻ vót mây. Hội thi đã tạo ra không khí thi đua trong lao động sản xuất, tìm kiếm ra những người thợ thủ công có tay nghề cao phục vụ cho việc sản xuất của địa phương và cho cả các địa phương lân cận. Xã Lý Nhân huyện Vĩnh Tường có ba thôn đều có làng nghề truyền thống là nghề mộc và nghề rèn. Tất cả các thôn đều được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2006, hiện nay xã có 13 thợ giỏi và một nghệ nhân của cả hai nghề. Hội thi thợ giỏi tay nghề tiểu thủ công nghiệp ổ chức ở xã dành cho các lao động làm nghề rèn và nghề mộc. Các thí sinh dự thi tay nghề mộc làm bài thi tạo các khung hình trang trí trên phôi có sẵn, các thí sinh dự thi tay nghề rèn tạo các sản phẩm rèn là dao thái dựa trên khối lượng phôi sắt đã cấp sẵn. Hội thi góp phần tạo ra phong trào thi đua trong lao động sản xuất, thúc đẩy quá trình phát triển TTCN, duy trì và phát triển nghề truyền thống địa phương cũng như tìm ra những người thợ có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng, độ tinh xảo của sản phẩm mộc và sản phẩm rèn.


Phát biểu tại một hội thi, ông Đỗ Mai, phó giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Phúc khẳng định: Đây không chỉ đơn thuần là một cuộc tranh tài, chọn ra những “bàn tay vàng” chuẩn bị cho hội thi cấp tỉnh mà còn là dịp để các nghệ nhân giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về các thao tác tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân rèn luyện tác phong công nghiệp, độ nhanh nhậy, chính xác để tạo ra sản phẩm nhanh, đẹp, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và tay nghề vững vàng, có cơ hội để tự hoàn thiện mình.


* Cùng với các hội thi thợ giỏi, Trung tâm Khuyến công Vĩnh Phúc còn rất quan tâm đào tạo nghề cho lao động chưa có nghề. Trung tâm đã phối hợp với các địa phương thực hiện hàng loạt đề án đào tạo nghề cho các địa phương. Sau thời gian đào tạo, tháng 10 vừa qua, nhiều khóa đào tạo đã tổ chức Lễ tổ chức bế giảng. Đó là "Khóa đào tạo nghề mộc mỹ nghệ " ở thị trấn Yên Lạc (huyện Yên Lạc). Sau 4 tháng đào tạo, 50 học viên của 2 lớp đều hoàn thành tốt chương trình, nắm được các kiến thức mà khóa học đưa ra và đều được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp. Khóa đào tạo, truyền nghề thêu móc xuất khẩu tại xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên) với sự phối hợp của Doanh nghiệp tư nhân Vân Bảy đã có 70 học viên là hội viên hội phụ nữ được đào tạo, truyền nghề thêu móc xuất khẩu. Sau hơn 3 tháng học tập, các học viên đã tạo được một số sản phẩm hoàn chỉnh, tất cả các sản phẩm làm ra được doanh nghiệp tư nhân Vân Bảy thu mua và bao tiêu. Khoá đào tạo truyền nghề thêu móc xuất khẩu ở xã Thiện Kế có 70 học viên tham gia. Sau 3 tháng, học viên đã biết cách thêu móc cơ bản và các chi tiết khó trong khi thao tác làm sản phẩm và được thực hành tay nghề về các kiểu thêu móc, mẫu mã sản phẩm phù hợp nhất trên thị trường hiện nay. Hầu hết các học viên tham gia các khóa đào tạo đào tạo đều đạt yêu cầu và được cấp chứng chỉ hành nghề. Trong đó có nhiều học viên đạt loại giỏi, được trao giấy khen của Giám đốc Trung tâm Khuyến công.
 

Hà Dũng