Kết thúc năm 2010, CN - TTCN Vũ Thư đạt mức tăng trưởng 23,5% so với năm trước. Năm 2011 và các năm tiếp theo Vũ Thư phấn đấu và duy trì tốc độ tăng trưởng CN-TTCN 24%/năm; đồng thời gắn kế hoạch phát triển với xây dựng nông thôn mới. .



Vũ Thư đã tích cực phát triển CN - TTCN từ 2 hướng: Phát triển nghề và làng nghề; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất CN tập trung. Năm 2010 Vũ Thư đã khôi phục và phát triển được hàng chục làng nghề, giải quyết việc làm cho 41.000 lao động ở khu vực nông thôn. Trong đó, có 24 làng đã đạt tiêu chuẩn của tỉnh, được UBND tỉnh cấp "Bằng công nhận làng nghề". Làng nghề thêu xuất khẩu xã Minh Lãng, với số thợ thêu chuyên nghiệp lên tới 1.500 - 2000 người. Đa số thợ kỹ thuật thêu làm việc cho 5 cơ sở trong làng. Một số khác còn tham gia vào chương trình giảng dạy do Trung tâm Khuyến công – Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Bình mở hoặc do các xã trong và ngoài tỉnh mời về dạy thêu cho nhân dân địa phương.


Xã Vũ Hội cũng là xã đa nghề của Vũ Thư, bao gồm nghề: đúc đồ nhôm, sản xuất bán bánh, may mặc… nghề nào cũng sôi động, phát triển ổn định, thu hút 60- 65% lao động địa phương. Xã Nguyên Xá là xã chuyên sản xuất hàng tre, nứa. Xã này còn có thôn Thái chuyên sản xuất hàng mộc cao cấp, với hàng chục cơ sở, thu hút 80% lao động của làng. Nguyên Xã còn là xã thâm canh lúa - màu giỏi, có phong trào xây dựng làng xã văn hoá khá tốt, nên được tỉnh Thái Bình chọn là xã điểm "Xây dựng mô hình nông thôn mới". Nguyên Xá đã quy hoạch, xây dựng điểm công nghiệp làng nghề 6,7 ha, với tổng vốn đầu tư 10,2 tỷ đồng. Hiện có 7 cơ sở sản xuất và doanh nghiệp của xã đăng ký, triển khai xây dựng cơ sở SX-KD. Nguyên Xá đang đầu tư đường vào làng nghề và đường giao thông ra đồng theo quy hoạch và tiến độ dự án "nông thôn mới"…


Cùng với phát triển nhanh nghề và làng nghề, Vũ Thư đang khởi sắc phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp tập trung. Công việc này với Vũ Thư khó hơn các huyện bởi Vũ Thư chỉ cách khu CN của tỉnh 5 km; cách khu công nghiệp Hoà Xá (Nam Định) 7 km. Nhưng với cách xúc tiến đầu tư: Vận động con em địa phương từ nhiều nơi trong nước về đầu tư trước, chỉ trong 6 năm (2005 - 2010) Vũ Thư đã kéo được hàng chục doanh nghiệp vừa và nhỏ vào huyện. Nhằm tiếp tục thu hút mạnh các nhà đầu tư. Vũ Thư được phép quy hoạch, xây dựng 2 cụm công nghiệp quy mô lớn (79 ha) và 5 cụm CN làng nghề. Hai cụm CN Tam Quang và Thị trấn Vũ Thư đã có 10 doanh nghiệp vào đầu tư (trong đó có một doanh nghiệp đã đi vào sản xuất). Ngoài ra, huyện còn cho phép các doanh nghiệp khác đầu tư vào các xã để thu hút lao động, giảm áp lực nhà ở và sinh hoạt cho công nhân. Với những cố gắng trên, CN - TTCN Vũ Thư đã thu được kết quả cao về nhiều mặt.


Năm 2011, Vũ Thư phấn đấu đạt GTSX CN-TTCN 777 tỷ đồng và từ 2012 đến 2015, phấn đấu tăng trưởng ổn định 24%/năm. Đồng thời xây dựng thành công 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (Vũ Thư có tổng số 30 xã, thị trấn). Mục tiêu CN - TTCN và xây dựng nông thôn mới ở Vũ Thư có những thuận lợi cơ bản là hầu hết các xã có làng nghề và có kinh tế khá; nhân dân cần cù, năng động. Khó khăn của Vũ Thư là ngân sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng hạn hẹp, vì quy mô nhỏ nhất tỉnh, lại kẹp giữa 2 thị trường lớn (Nam Định và Thái Bình), sức hút các nhà doanh nghiệp đầu tư cho CN không lớn… Để đạt được 2 mục tiêu phát triển CN - TTCN và XD nông thôn mới, Vũ Thư phải gắn cả 2 mục tiêu một cách đồng bộ, chặt chẽ.


Nhiệm vụ trước mắt năm 2011 là tiếp tục phát triển nghề và làng nghề, phấn đấu mỗi năm có từ 3-4 làng đủ tiêu chuẩn được cấp Bằng công nhận. Trong đó mỗi làng phải xây dựng cho được 3-4 cơ sở đầu mối làm bà đỡ cho hộ và người lao động. Vũ Thư đẩy mạnh thực hiện phương châm "đổi đất lấy công trình" để tạo lập vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho các cụm, điểm CN và làng nghề (năm 2010, Vũ Thư đã thu được 63 tỷ đồng tiền sử dụng đất thông qua đấu thầu) làm điểm tựa thu hút các doanh nghiệp tiếp tục vào huyện. Thông qua kết quả XD cơ sở hạ tầng cụm CN, hạ tầng làng nghề và số lao động chuyển từ SXNN sang làm CN… để thực hiện 19 tiêu chí về nông thôn mới. Bên cạnh nỗ lực của huyện, Vũ Thư còn xây dựng các chương trình phối hợp với các sở, ngành để hoàn thành mục tiêu. Huyện cũng đã xây dựng các chế độ, chính sách tôn vinh những cá nhân tập thể vì sự phát triển CN-TTCN cho huyện; các chính sách, cơ chế khuyến khích áp dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất; cơ chế hỗ trợ các DN đi tìm đầu ra cho sản phẩm công nghiệp, sản phẩm làng nghề; xây dựng và triển khai chương trình bảo vệ môi trường để CN - TTCN của huyện phát triển bền vững.


Hoàng Duy