Tiêu biểu cho những xã nghề của huyện là Minh Lãng với nghề thêu nổi tiếng. Sản phẩm của người thợ thêu Minh Lãng đã có mặt khắp thị trường châu Âu, Nhật bản, Hàn Quốc. Giá trị sản xuất từ nghề thêu năm 2007 đạt 50,5 tỷ đồng, năm 2008 đạt 62,1 tỷ đồng, chiếm 75% tổng giá trị sản xuất. Năm 2009, mặc dù rất khó khăn nhưng doanh thu từ nghề vẫn tăng đáng kể. Toàn xã có 15 công ty, doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất, xuất khẩu mặt hàng thêu. Xã Vũ Hội có nghề làm bún là nghề truyền thống với 11 cơ sở sản xuất bún miến, công suất 1,5- 2 tấn gạo/ngày, một năm chế biến trên 700 tấn gạo. Ngoài làm bún, miến, đậu, Vũ Hội còn có các nghề đúc đồng, sản xuất các máy làm giò chả, bún miến, đúc xoong nồi nhôm, thau chậu…Tổng số lao động làm nghề TTCN toàn xã có 5.500 người, chiếm 34,5% tổng số lao động, nhưng giá trị sản xuất đạt 25 tỷ đồng/năm, chiếm 55,7% tổng giá trị sản xuất. Ngoài ra, Vũ Thư còn có nhiều làng nghề khá nổi tiếng như nghề mộc (Nguyên Xá), nghề làm cốm ở Thanh Hương (Đồng Thanh), nghề ươm tơ Bách Thuận
Tuy nhiên, các làng nghề phát triển còn thiếu bền vững, nghề mới du nhập vào huyện rất khó do công lao động thấp, đầu tư cho làng nghề còn hạn chế, Nhà nước lại chưa có chính sách mạnh về kinh tế để phát triển và hỗ trợ làng nghề vượt qua ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế.
Năm 2010, UBND huyện giao chỉ tiêu phát triển làng nghề cụ thể cho các xã phấn đấu thực hiện, đồng thời xây dựng chính sách khuyến khích động viên các thành phần kinh tế tại địa phương góp phần xây dựng làng nghề, khen thưởng tập thể, cá nhân có công khôi phục, phát triển làng nghề. Tăng cường xúc tiến tìm thị trường, phát động phong trào tìm nghề, phát triển nghề, kêu gọi con em của quê hương có điều kiện đầu tư phát triển nghề cho địa phương. Tăng cường đào tạo lao động có nghề, liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư cụm, điểm công nghiệp tạo việc làm cho người lao động. Hỗ trợ thông tin tư vấn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của làng nghề.
CTV, Hạnh Thư