Lộ trình để được hưởng thuế suất 0% đối với TPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU đến giữa năm 2018 mới có hiệu lực. Với lợi thế về thuế suất vào khu vực thị trường lớn như Mỹ, EU thì đơn hàng đổ về các nước này có xu hướng gia tăng là điều dễ hiểu. Còn với Việt Nam ngành hàng quan trọng này đang cùng lúc đứng trước nhiều thách thức cả trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp hiện rất lo ngại, tình hình có thể còn xấu hơn trong 6 tháng còn lại của năm khi số lượng đơn hàng đang giảm dần.


Thị trường EU  chiếm tới trên 10% lượng hàng may mặc xuất khẩu của Tổng công ty May 10. Thế nhưng thị trường này đang giảm khá sâu, đặc biệt là ở Anh. Khách hàng tuy vẫn giữ đơn hàng, nhưng giá trị của các đơn hàng lại hầu như bị giảm. Tổng nhu cầu  thế giới suy giảm 6 tháng đầu năm gần 2%. Riêng Mỹ giảm mạnh tới gần 3,5%, Nhật giảm 4%, Châu Âu vốn đang giảm, lại thêm sự kiện Anh rút khỏi Châu Âu khiến doanh nghiệp (DN) xuất khẩu dệt may Viêt Nam (VN) lại càng gặp khó khi thị trường này chiếm tới 20% thị trường xuất khẩu của toàn Châu Âu.


Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết: Hiện May 10 đơn hàng xuất đi EU giảm khoảng 10%; Việc nước Anh rời khỏi EU thì tác động trực tiếp thì chưa nhưng tỷ giá giữa bảng Anh, Euro và  USD thì tác động trực tiếp tới doanh nghiệp. Bảng Anh giảm thì hàng xuất  vào thị trường Anh giá thành cao sẽ khó khăn hơn. Như thế là chúng ta gặp khó khăn kép.


Đơn giá giảm thì làm thế nào không để lỗ và giữ lương không giảm với hàng chục ngàn công nhân may là cả câu chuyện khó. Sau 6 tháng, dệt may VN mới chỉ xuất được 12,8  tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng chỉ 5,8% thấp hơn hẳn các năm trước. VN và một số quốc gia khác như Myanmar, Bangladesh, Campuchia vẫn lấy được đơn hàng một phần do 2 quốc gia lớn nhất trong xuất khẩu may mặc là Trung Quốc và Ấn Độ không tăng trưởng xuất khẩu. Thị trường Trung Quốc suy giảm tới 1 tỷ USD. Nhưng với VN thì đây là mức suy giảm chưa âm, nhưng  thấp nhất kể từ 2010 tới nay.


Ông Phạm Tiến Lâm, Tổng giám đốc Tổng công ty may Đức Giang cho biết: Tổng cầu giảm, hàng tồn kho lớn và từ đó khách đặt hàng dè dặt và chậm hơn so với mọi năm. Mọi năm thì tháng 3, 4 đã tấp nập cho các đơn hàng.
Nếu như năm 2015, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của VN rất cao, có thời điểm lên tới gần 13% thì năm nay chưa tới 6%. Điều đó cho thấy cạnh tranh quốc gia đang có dấu hiệu không tốt trong khi các quốc gia ngoài TPP đã nhanh chóng xây dựng chính sách trong nước nhằm đối phó  với  ưu thế của VN khi gia nhập TPP. Đồng Rubi của Indonesia thấp nhất kể từ năm 1998 đến nay. Đồng Rubi của Ấn Độ giảm tới 10%, bên cạnh đó các quốc gia này giảm  hàng loạt loại thuế, thậm chí thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 35 xuống chỉ còn 20%.


Theo nhận định của Tập đoàn Dệt may VN, sự sụt giảm trong đơn hàng và tổng lượng hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm chưa dừng lại trong 6 tháng còn lại của năm. Hợp đồng của nhiều công ty may hiện mới chỉ đủ đến tháng 7. Nhiều đơn hàng vốn trước đây hay ký với VN, nay có thể sẽ chuyển sang Bangladesh, Campuchia… với những ưu đãi về chính sách được cho là thoáng hơn so với VN. Mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD trong năm nay khó trở thành hiện thực./.


CTV