Dòng đơn hàng từ Trung Quốc, Nhật Bản chuyển dịch mạnh mẽ về Việt Nam tạo cơ hội tốt cho ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam đạt mục tiêu 1,6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2014.

 

Theo Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), 6 tháng đầu năm tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ khá khả quan khi đạt gần 900 triệu USD kim ngạch, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ.


Về thị trường, Mỹ, EU, Nhật Bản vẫn là những thị trường truyền thống, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành cũng đang tập trung khai thác các thị trường mới trong khối BRICS, gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi.


Ông Lê Bá Ngọc, Tổng thư ký Vietcraft nhận định, thị trường khối BRICS đang trỗi dậy mạnh mẽ bởi những năm gần đây kinh tế của khối này phát triển rất nhanh và sẽ là những thị trường rất tiềm năng của ngành thủ công mỹ nghệ. Hơn nữa, khai thác thị trường khối BRICS, ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam còn rất thuận lợi về mặt địa lý, chỉ có Brazil, Nam Phi là xa còn lại các nước khác đều rất gần, thuận lợi cho nghiên cứu thị trường, vận chuyển hàng hóa. Trong khối BRICS, hiện mỗi năm Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 100 triệu USD giá trị mặt hàng đồ gỗ sang thị trường Trung Quốc,...


Cũng theo ông Ngọc, một tín hiệu cũng rất tích cực giúp ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam cán đích 1,6 tỷ USD xuất khẩu năm 2014 là dòng đơn hàng từ Nhật Bản, Trung Quốc đang chuyển dịch mạnh mẽ về Việt Nam.


Ông Ngọc lý giải, dòng đơn hàng từ Trung Quốc chuyển dịch về Việt Nam là do tác động từ chính sách tăng lương tối thiểu nên giá thành sản xuất tại Trung Quốc ngày một cao. Nhân công làm hàng thủ công mỹ nghệ giảm do một bộ phận lớn lao động chuyển sang sản xuất công nghiệp khiến thời gian giao hàng kéo dài đến 60 ngày (doanh nghiệp Việt Nam chỉ mất khoảng 30 ngày). Hơn nữa, yêu cầu về số lượng đơn hàng tối thiểu của nhà sản xuất Trung Quốc rất cao (tối thiểu 1 container) đã gây khó cho các nhà nhập khẩu, nhất là các nhà nhập khẩu đến từ Úc, Nhật Bản…

Trên thực tế, dòng đơn hàng chuyển dịch về Việt Nam không chỉ bởi tác động về giá, thời gian hay yêu cầu về lượng đơn hàng mà các nhà nhập khẩu còn tin tưởng vào chất lượng sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Bởi, những năm gần đây các doanh nghiệp trong ngành đã lựa chọn phân khúc trung và cao cấp làm chiến lược đầu tư, cạnh tranh, theo đó đã tạo được sự thay đổi lớn về chất lượng sản phẩm cũng như vị trí trên bản đồ xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ thế giới.


Để tiếp tục phát huy lợi thế này, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, ông Lê Bá Ngọc khuyến cáo, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ đầu tư sản xuất vào phân khúc hàng giá rẻ rất dễ vỡ hợp đồng, gặp tổn thất trong kinh doanh. Do vậy, nên tập trung vào thị trường trung cấp phù hợp với năng lực sản xuất, nguồn nguyên liệu, tay nghề của người lao động. Song song với đó, mở rộng kênh giao tiếp, truyền tải về khả năng, giá trị và sức cạnh tranh của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.


“Để mở rộng xuất khẩu sang khối BRICS, tháng 8 năm nay Vietcraft sẽ phối hợp tổ chức 1 đoàn doanh nghiệp trong ngành sang tìm hiểu, xúc tiến thương mại tại thị trường Brazil”, ông Ngọc cho biết thêm.


Theo ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội: Khi tiến tới phân khúc trung và cao cấp các doanh nghiệp nên đăng ký bảo hộ quyền sáng tác với mẫu mã sản phẩm, tránh tình trạng sao chép và bảo vệ quyền lợi kinh tế sát sườn của doanh nghiệp.


Phạm Kim