Không có những cây cổ thụ to cả người ôm như ở Suối Giàng (huyện Văn Chấn) nhưng những cây chè Shan tuyết ở xã Phình Hồ (huyện Trạm Tấu) cũng có tuổi cả trăm năm. Được trồng trên độ cao từ 900 - 1.500 mét so với mực nước biển, bốn mùa mây phủ, khí hậu mát mẻ quanh năm, chè phát triển hoàn toàn tự nhiên, chắt lọc những tinh túy của trời đất tạo nên một loại chè thơm ngon tinh khiết đến lạ thường.

 

 Cũng là giống chè Shan tuyết nhưng những cây chè ở đây không cổ thụ, không có các nhánh đan cài vào nhau như chè Shan tuyết Suối Giàng mà mọc thẳng và tạo thành những rừng cây tự nhiên, có lá to và dài, màu xanh nhạt, búp mẩy, có nhiều lông tơ trắng, mịn trông như tuyết. Cho đến nay, vẫn chưa biết chính xác cây chè Shan tuyết có trên đất Phình Hồ từ bao giờ nhưng tuổi thọ nhiều cây gần năm. Cây chè mọc xen với cây rừng hoang dã, ít bị tác động bởi con người mà vẫn nẩy búp căng tràn nhựa sống.


Xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu hiện có 150 ha chè Shan tuyết cổ thụ với hơn 300 nghìn cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Thời gian qua, qua các ký hội chợ và giới thiệu cưa bạn bè sản phẩm chè Shan Phình Hồ đã được quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng và đã được người tiêu dùng chấp nhận. Chất lượng chè ở đây được đánh giá không kém chè Suối Giàng ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn. Cùng với cây lúa, cây ngô, cây chè Shan còn là nguồn thu nhập chính của gần 200 hộ dân trong xã. Thế nhưng, hiện vẫn chưa có cá nhân, tổ chức doanh nghiệp nào đến để cùng xã xây dựng thương hiệu và phát triển vùng chè Shan tuyết cổ thụ này.


Theo người dân địa phương mục đích trồng chè trước đây không phải chỉ để lấy búp mà đồng bào Mông nơi đây trồng theo kiểu rừng chè, chống xói mòn đất, giữ nguồn nước. Hiện nay, toàn xã Phình Hồ có trên 305.000 cây. Trong vòng gần chục năm trở lại đây, người dân mới khai thác chè để uống và làm hàng hóa với 197 hộ dân chăm sóc, bảo vệ toàn bộ diện tích.
Hiện nay, những cây chè này tập trung chủ yếu ở các bản Tà Chừ, Phình Hồ, Chí Lư. Do trồng và phát triển tự nhiên nên mật độ cây thưa và năng suất chỉ đạt 7-8 tạ chè búp tươi/ha.


Đặc biệt, bà con nơi đây không dùng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào để phun, nên chè hoàn toàn sạch và chất lượng cao hơn. Do đó dù chè được sản xuất theo phương pháp thủ công hay công nghệ hiện đại cũng không làm mất đi chất lượng vốn có của nó. Chè rất được nước, có mầu xanh vàng tự nhiên, hương thơm đặc biệt; uống vào có vị đượm, chát nhẹ, sau đó có vị ngọt nơi cổ họng. Đây là những đặc trưng rất dễ nhận ra của các loại chè được trồng trên vùng đất cao quanh năm mây phủ. Hiện nay, bình quân 1kg chè sao bằng phương pháp thủ công sẽ bán được từ 130 - 200 nghìn đồng.


Với diện tích chè của xã Phình Hồ thì một năm sẽ thu hái được 120 tấn búp tươi, với giá bán hiện tại là trên 10.000 đồng/kg, mỗi năm thu về khoảng 1,6 tỷ đồng. Nhưng do vùng này chưa có nhà máy chế biến nên bà con chỉ sao thủ công được 1/3 sản lượng, còn lại đành phải bán trôi nổi cho người dân nơi khác đến mua.


Nếu biết khai thác tốt, cơ chế tốt thì người dân nơi đây sẽ khá giả lên từ chè, sản phẩm không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn đủ sức chinh phục dân sành chè trên thế giới.


Tiềm năng của cây chè Shan tuyết cổ thụ ở Phình Hồ thì đã rõ, song thực tế thì việc bảo tồn và phát triển bền vững nhằm giúp nhân dân ở xã vùng cao khó khăn này thì còn nhiều vấn đề phải bàn như: việc quy hoạch, đầu tư bảo tồn và phát triển vùng chè chưa có, khâu chế biến cũng chưa được đầu tư, sản phẩm của bà con làm ra không có nơi tiêu thụ hoặc bán giá rẻ, không tương xứng với giá trị của nó nên phải bán ra thị trường bên ngoài. Vì lợi ích trước mắt, nhiều thương lái đã mua về rồi pha trộn với chè kém chất lượng nơi khác để bán kiếm lời nên phần nào ảnh hưởng đến thương hiệu của cây chè nơi đây.


Bởi thế, hiện nay huyện Trạm Tấu đang xây dựng Dự án “Xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm chè Shan Phình Hồ”, mời gọi các nhà đầu tư đến xây dựng nhà máy chế biến chè tại Phình Hồ, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật để cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, sạch, an toàn.


Song song với quá trình mời gọi đầu tư, triển khai thực hiện dự án và khi có nhà đầu tư đến đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chế biến chè Shan tại huyện Trạm Tấu. Trung tâm khuyến công - thuộc Sở Công Thương Yên Bái sẽ phối hợp với phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Trạm Tấu, đơn vị đầu tư và các đơn vị liên quan xây dựng đề án Khuyến công, xin hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia. Với mục đích hỗ trợ, khuyến khích đơn vị trong việc đầu tư xây dựng, góp phần xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm chè Phình Hồ trên thị trường; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng nguyên liệu cũng như lao động địa phương, nâng cao giá trị cây chè Shan Phình Hồ của huyện Trạm Tấu nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung.
 

Ngọc Lan (Sở Công Thương tỉnh Yên Bái)