Mặc dù là tỉnh nằm sâu trong nội địa, không có cửa khẩu và xa các trung tâm kinh tế, cảng biển; hệ thống cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Song, trong những năm gần đây, nhất là giai đoạn 2006- 2010, ngành Công Thương tỉnh Yên Bái đã đạt được những thành tích đáng khích lệ, đặc biệt trong phát triển công nghiệp địa phương.

 

Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, trong đó xác định công nghiệp là khâu đột phá, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển, trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã coi trọng chính sách thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương để phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp khai khoáng, sản xuất xi măng, chế biến bột đá và chế biến nông lâm sản.

Nhờ đó, trong 5 năm 2006-2010, ngành công nghiệp Yên Bái đã thu hút được nguồn đầu tư đáng kể của các thành phần kinh tế, tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nếu năm 2005, toàn tỉnh mới có trên 6 nghìn cơ sở sản xuất công nghiệp thì đến năm 2009, con số này đã tăng lên 7.811. Trong số đó, có nhiều cơ sở SXCN quy mô lớn đã đi vào hoạt động, như: 2 nhà máy xi măng lò quay với tổng công suất 1,4 triệu tấn/năm; 2 nhà máy chế biến sắn có công suất 40 nghìn tấn tinh bột/năm; 2 nhà máy gạch tuynen; 4 nhà máy chế biến CaC03… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 63 cơ sở chế biến chè, 27 dây chuyền sản xuất giấy đế…

Các cơ sở SXCN không chỉ tăng về số lượng mà trình độ công nghệ cũng được nâng lên một bước. Hầu hết các dự án đầu tư mới trong giai đoạn 2006-2010 đều áp dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường. Đồng thời, cơ cấu ngành công nghiệp cũng dần chuyển dịch đúng định hướng. Theo đó, tỷ trọng công nghiệp chế biến đã tăng từ 67,76% năm 2005 lên 73,2% năm 2010.

Sự xuất hiện của các doanh nghiệp SXCN ở Yên Bái đã góp phần quan trọng tạo nên bước phát triển cho nền kinh tế một tỉnh miền núi, đồng thời hình thành diện mạo mới cho SXCN trong những năm qua.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 5 khu công nghiệp (KCN) và các cụm công nghiệp (CCN) ở một số huyện thị, thành phố. Mới đây, Chính phủ đã có quyết định cho Yên Bái mở rộng khu A thuộc KCN phía Nam từ 137 ha lên 400 ha, đưa các KCN Minh Quân và Âu Lâu vào quy hoạch KCN quốc gia. Đây là điều kiện quan trọng để Yên Bái tiếp tục phát huy hiệu quả chính sách thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh và cũng là cơ sở để Yên Bái đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng trên 19% trong giai đoạn 2011-2015 và phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh đạt 7.400 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu này, trước hết, ngành Công Thương tỉnh Yên Bái xác định nhiệm vụ then chốt là tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, trong đó có quy hoạch ngành và quy hoạch chi tiết các sản phẩm công nghiệp. Đồng thời, bổ sung một số sản phẩm mới có tính đột phá, như: sản phẩm công nghiệp năng lượng, cơ khí, điện tử…

Bên cạnh đó, cần tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trong các KCN-CCN. Trước mắt, tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng KCN phía Nam tỉnh và các KCN Minh Quân, Âu Lâu, Bắc Văn Yên… làm cơ sở cho việc mời gọi đầu tư vào địa bàn.

Ngoài ra, Sở Công Thương cùng với các cơ quan hữu quan tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, dành nhiều ưu đãi về đất, cơ chế chính sách cho các nhà đầu tư có khả năng thực hiện các dự án quy mô lớn, các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ mới, sản phẩm thân thiện với môi trường. Không chỉ có vậy, với các doanh nghiệp có đề án, dự án nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và đổi mới công nghệ, tỉnh sẽ hỗ trợ một phần ngân sách.

Cùng với đó, ngành Công Thương tỉnh cũng chủ trương phát triển các vùng nguyên liệu gắn với việc xây dựng các cơ sở chế biến. Đồng thời, tăng cường mối liên kết 4 nhà (Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông) trong phát triển các mô hình sản xuất, vừa đảm bảo số lượng, chất lượng nguyên liệu đầu vào cho SXCN, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.

Để đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp đã đề ra trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng đơn giản, minh bạch và hiệu quả. Trong đó, công tác củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được xem là khâu then chốt.

Với những thành quả đã đạt được, cùng những giải pháp thiết thực, bám sát thực tế, hy vọng trong giai đoạn 2011-2015, công nghiệp của Yên Bái sẽ tiếp tục phát triển, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Nguồn: Công Thương điện tử