Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 03 nhà máy chế biến tinh bột sắn lớn với tổng công suất khoảng 1.600 tấn nguyên liệu/ngày; tương đương 400 tấn sản phẩm/ngày, ngoài ra trên địa bàn còn hàng trăm cơ sở chế biến sắn lát khô. Năm 2012 sản lượng tinh bột sắn sản xuất đạt 34.388 tấn, đạt mức cao nhất từ 2005 trở lại đây; với giá bán bình quân từ 8,5-10 triệu đồng/tấn tinh bột, doanh thu tiêu thụ đạt 300 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước đạt 30 tỷ đồng. Sự phát triển ổn định của các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn đã đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động với thu nhập bình quân từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Bước vụ vào vụ sắn 2013-2014, nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất các nhà máy và các cơ sở chế biến ngoài việc thu mua nguyên liệu hết cho người dân trong tỉnh các cơ sở chế biến còn chủ động khai thác thu mua thêm từ các tỉnh lân cận như Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ với giá thu mua bình quân ổn định khoảng 1.400 - 1.600 đồng/kg.
Trong 3 nhà máy của tỉnh,Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái là đơn vị tiên phong với việc phải bảo đảm được sản xuất, kinh doanh mang tính bền vững và hiệu quả kinh tế tương xứng với đầu tư. Doanh nghiệp qua 15 năm hình thành và phát triển công nghiệp chế biến tinh bột sắn ở Văn Yên đã làm được điều đó. Tại Văn Yên, công ty có 2 nhà máy: Một nhà máy chế biến sắn gồm 2 dây chuyền, một nhà máy chế biến bã sắn sấy khô.
Thị trường xuất khẩu tinh bột sắn nhiều lúc rất khó khăn nên doanh nghiệp phải đối diện với cạnh tranh gay gắt; phụ thuộc vào nhu cầu và sức mua của thị trường thế giới nhưng nhà máy luôn mua nguyên liệu cho người nông dân theo giá thị trường không ép cấp, ép giá nguyên liệu. Và không chỉ mua cho dân ở 8 xã thuộc huyện Văn Yên mà khi vùng này có biến động, nhà máy sẵn sàng mua nguyên liệu bất kỳ ở xã nào trong huyện, thậm chí của các xã lân cận thuộc huyện Trấn Yên, Yên Bình nếu mang đến.
Bên cạnh đó, nhà máy thực hiện tốt việc đóng góp tài chính theo quy định trong Đề án canh tác sắn bền vững của huyện Văn Yên để triển khai công tác khuyến nông ở vùng nguyên liệu. Nhiều giống sắn có năng suất cao, hàm lượng tinh bột nhiều được trồng ở những tỉnh khác cũng được Công ty mang về phối hợp trồng thử nghiệm để có thể áp dụng trên đồng đất Văn Yên.
Mặt khác, việc đầu tư hơn chục tỷ đồng xây dựng công trình xử lý chất thải bằng phương pháp kiềm hóa làm giảm tới 80% mùi hôi từ chất thải chế biến cũng là minh chứng sống động của mối quan tâm bảo vệ môi trường cũng như đời sống người dân địa phương.
Với sự quan tâm như vậy từ phía doanh nghiệp, những nông dân bán sắn cho nhà máy đều bày tỏ niềm tin tưởng ở hiệu quả kinh tế của cây sắn. Lãnh đạo huyện Văn Yên đánh giá Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái thực sự có nhiều đóng góp cho công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Văn Yên và là một điển hình trong số các đơn vị đầu tư trên địa bàn đã tạo được sự đồng hành chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nông dân.
Mục tiêu của Công ty còn cao hơn với mong muốn đưa cây sắn ở vùng này vượt lên ý nghĩa của loại cây xóa đói giảm nghèo để có thể làm giàu. Vì thế, doanh nghiệp không chỉ vì những lợi ích trước mắt mà không quan tâm đến đầu tư chiều sâu. Trong mấy năm gần đây, Nhà máy Chế biến sắn Văn Yên đã đầu tư trên chục tỷ đồng xây dựng công trình hồ xử lý nước thải theo phương pháp kiềm hóa nhằm cải thiện môi trường, giảm mùi hôi trong mùa chế biến và tránh gây ô nhiễm nguồn nước sông Hồng. Ngay sau khi công trình đi vào hoạt động, Công ty đã tiếp cận công nghệ thu gom nước thải từ chế biến sắn để tạo thành khí gas phục vụ ngay cho nhu cầu sản xuất của nhà máy. Đơn vị đã quyết định đầu tư thêm 7 tỷ đồng để nâng cấp bể xử lý nước thải theo phương pháp kiềm hóa ở Nhà máy Chế biến sắn Văn Yên thành bể Xi-gas lấy khí gas.
Cùng với việc hoàn thiện đầu tư xử lý chất thải, Nhà máy Chế biến sắn Văn Yên là cơ sở đầu tiên trong cả nước đầu tư dây chuyền sấy khô bã sắn làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc ngay sau khi hoàn thiện công đoạn tách tinh bột. Đây cũng là một quyết định vô cùng hợp lý khi có một doanh nghiệp của Trung Quốc thực hiện khảo sát tại một số nhà máy chế biến tinh bột sắn để đưa công nghệ này vào Việt Nam.
Sau nhiều đợt khảo sát trên địa bàn cả nước, doanh nghiệp Trung Quốc nhận thấy, Nhà máy Chế biến sắn Văn Yên cũng như Công ty chủ quản thực sự mong muốn đưa công nghệ mới vào sản xuất nên đã nhiệt tình hợp tác xây lắp và chuyển giao công nghệ. Đầu năm 2013, dây chuyền sấy khô bã sắn đã hoạt động thử nghiệm và kết quả rất khả quan. Nếu vận hành một dây chuyền này thì mới chỉ bảo đảm công suất sấy hết bã sắn cho một dây chuyền chế biến nhưng điểm thuận lợi là sau khi kết thúc niên vụ chế biến tinh bột, toàn bộ số bã sắn còn lại của dây chuyền kia sẽ được ứng dụng quy trình lên men để vừa thu hồi thêm một lượng tinh bột nữa lại vừa tiếp tục sấy khô. Như vậy, công nhân nhà máy sẽ có thêm việc làm. Đồng thời, nếu sấy khô toàn bộ 40.000 tấn bã sắn thành nguyên liệu cho chế biến thức ăn gia súc thì lợi nhuận từ chế biến sắn sẽ còn cao hơn rất nhiều.
Đây là tín hiệu khả quan cho ngành công nghiệp chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh Yên Bái, với những tiến bộ trong công nghệ sản xuất và vùng nguyên liệu ổn định đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Ngọc Lan (Sở Công Thương tỉnh Yên Bái)