Năm 2012 đã qua, với bối cảnh khó khăn chung của cả nền kinh tế, nhiều lĩnh vực ngành nghề hoạt động mang lại hiệu quả không được như mong muốn, trong đó hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản nói chung cũng gặp không ít khó khăn, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay, sản phẩm đầu ra tiêu thụ chậm, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng và rất thận trọng trong đầu tư mở rộng, xây dựng dự án mới. Trong khi đó nhiều điểm mỏ còn đang trong quá trình thăm dò đánh giá trữ lượng hoặc đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhưng vẫn chưa thể đi vào khai thác, chế biến do chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý, trong đó ngoài các thủ tục thuê đất, ký quỹ bảo vệ môi trường ..vv. thì tiếp tục phải thực hiện lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công khai thác theo quy định, đầu tư thiết bị, máy móc phục vụ chế biến sâu. Với việc quy định chặt trẽ trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản nói chung và trên địa bàn tỉnh Yên Bái nói riêng thì rất ít doanh nghiệp có đầy đủ năng lực để tự thực hiện các phần việc như vậy;
Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 được thông qua và đã có hiệu lực, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 33/2012/TT-BCT ngày 14 tháng 11 năm 2012 quy định chặt chẽ hơn trong lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế mỏ, dự án đầu tư xây dựng mỏ khoáng sản rắn và chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Trong đó Thông tư quy định chi tiết các loại mỏ phải lập Dự án đầu tư xây dựng công trình; báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình mỏ; nội dung Dự án đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình mỏ; nội dung thiết kế mỏ, yêu cầu về năng lực đối với cơ quan tư vấn lập, thẩm định thiết kế mỏ và dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ, với việc quy định cụ thể, chi tiết sẽ là cơ sở pháp lý rất quan trọng giúp doanh nghiệp triển khai dự án, lựa chọn đơn vị tư vấn có đầy đủ năng lực thực hiện các phần việc sớm đưa dự án vào hoạt động đạt hiệu quả cao nhất.
Đặc thù tỉnh Yên Bái với nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, có trên 257 điểm mỏ khoáng sản, xếp vào các nhóm khoáng sản năng lượng, khoáng sản vật liệu xây dựng, khoáng chất công nghiệp, khoáng sản kim loại và nhóm nước khoáng; như than nâu, than Antraxit, đá vôi, đá ốp lát, sét gạch ngói, cát sỏi; quặng sắt, đồng, chì, kẽm, v. v... Hiện tại mới có trên 50 điểm mỏ đang tiến hành khai thác, chế biến, đây là điều kiện thuận lợi đối với nhiều doanh nghiệp có đủ năng lực đến đăng ký đầu tư và hoạt động theo quy định.
Nhiều năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình doanh nghiệp vào đầu tư và sản xuất tại địa phương, đặc biệt tư vấn trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản; với việc tập trung chuyên sâu về lập dự án đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật thi công khai thác mỏ nên sản phẩm tư vấn luôn thực hiện đúng quy trình, đúng yêu cầu kỹ thuật đây chính là yếu tố giúp cho doanh nghiệp vào đầu tư sớm hoàn chỉnh các bước về thủ tục pháp lý, đúng quy định, rút ngắn thời gian triển khai dự án, giảm thiểu các chi phí, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, lựu chọn các loại máy móc, thiết bị phù hợp. Những năm tiếp theo Trung tâm khuyến công và TVPTCN đã xác định nhiệm vụ tư vấn về lĩnh vực mỏ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, tiếp tục tích cực triển khai hoạt động tư vấn góp phần thu hút đầu tư, đầu tư chế biến sâu, sử dụng thiết bị tiên tiến, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Nguồn: Sở Công Thương Tỉnh Yên Bái