Năm 2012, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Nam (Trung tâm) đã phối hợp tổ chức 12 lớp đào tạo nghề cho 420 lao động; năm 2013, Trung tâm tiếp tục phối hợp tổ chức 14 lớp đào tạo nghề may cho 420 học viên.

 

Học viên chủ yếu là là lao động của các công ty: Công ty TNHH may Đại Phong (Phủ Lý); Công ty Cổ phần thời trang GenViet (Duy Tiên); Công ty TNHH may Anh Minh (Kim Bảng); Công ty TNHH Đầu tư thương mại Ngọc Ánh (Lý Nhân); Công ty Cổ phần may và Thương mại Ngân Hà (Thanh Liêm); Công ty may Anh Đức, Công ty Thương mại Đức Lợi (Bình Lục). Việc hỗ trợ đào tạo nghề này không chỉ giúp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tăng thêm đội ngũ nhân lực có tay nghề, chất lượng cao còn tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho lao động nông thôn của địa phương.

 

Để triển khai tốt các đề án đào tạo nghề như trên, theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Nam, ngay từ khi thẩm định dự án phải xác định rõ đối tượng thụ hưởng, đối tượng đào tạo, ngành nghề đào tạo. Theo đó, đối tượng thụ hưởng là những cơ sở CNNT được quy định trong Nghị định 45/2012/NĐ-CP có nhu cầu và năng lực thực hiện dự án, đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ quản lý, tổ chức đào tạo lao động. Đối tượng học nghề phải là lao động nông thôn, trong độ tuổi lao động, có sức khỏe phù hợp với ngành nghề cần học. Ngành nghề đào tạo trước hết phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của cơ sở CNNT tại địa phương, kết hợp với nhu cầu thực sự của người dân từng địa phương với đặc trưng riêng của nghề nghiệp đang sinh sống.

 

Trong các đề án đào tạo nghề, quan trọng nhất là yếu tố dạy và học bởi có dạy tốt và học tốt thì đến khi kết thúc khóa học, học viên mới sản xuất được những sản phẩm có chất lượng, mới đảm bảo được việc làm, mang lại thu nhập cho bản thân. Giáo viên đóng vai trò quyết định trong quá trình dạy học, do đó việc lựa chọn giáo viên với phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học là vấn đề cực kỳ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề. Tùy theo loại hình đào tạo, lực lượng giáo viên phải được lựa chọn xây dựng tương ứng, có phương pháp dạy học khoa học, cụ thể; phải là những người có trình độ, tay nghề kỹ thuật, tâm huyết với nghề và chịu trách nhiệm về nội dung cũng như kết quả đạt được của học viên sau khi kết thúc khóa học. Ngược lại, học viên học nghề phải nhiệt tình học, chú ý lắng nghe và thực hành các kỹ năng từ đơn giản đến phức tạp sao cho thành thạo.

 

Trên cơ sở đặc thù của ngành nghề và đối tượng đào tạo, việc lựa chọn địa điểm học phải chu đáo, đáp ứng đủ các điều kiện về môi trường học tập, được trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị học tập đối với các yêu cầu đặt ra. Nội dung và thời gian đào tạo phải phù hợp với từng nhóm đối tượng tại địa phương, nội dung phải rõ ràng, cụ thể.

 

Một yếu tố góp phần vào hiệu quả của đề án đào tạo nghề đó là cần thiết phải thành lập Ban quản lý lớp học. Thành viên trong Ban quản lý lớp học sẽ nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mình đối với dự án. Ban quản lý có trách nhiệm đề ra nội quy lớp học để các học viên thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng các buổi học; thường xuyên quản lý, đôn đốc, kiểm tra, giám sát lớp học để nắm bắt tình hình chung, từ đó có sự điều chỉnh sao cho phù hợp với nguyện vọng của giáo viên, học viên, cũng như những yêu cầu đề án đặt ra.

 

Để đảm bảo việc làm cho người lao động sau khi hoàn thành khóa học, các cơ sở CNNT phải là đầu mối trong việc tạo ra nguồn nhân lực và cung cấp nguồn nhân lực mang lại lợi ích thực sự cho cả người học nghề và cơ sở sử dụng lao động. Vì vậy yếu tố đầu ra của người lao động khi tham gia khóa học nghề cần được chú trọng. Các cơ sở CNNT cần có cam kết tiếp nhận học viên vào làm việc hoặc nhận bao tiêu sản phẩm cho học viên sau khi kết thúc khóa học, đồng thời phải có những chính sách lao động phù hợp để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

 

Quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các đề án đào tạo nghề phải được vận dụng linh hoạt, chú trọng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo nghề gắn với nhu cầu các cơ sở CNNT, gắn với quy hoạch từng địa phương, khảo sát đánh giá đúng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để xây dựng kế hoạch. Chú trọng chất lượng đào tạo, hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề, từ đó làm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân, tạo dựng lòng tin của nhân dân đối với chính sách của Đảng và Nhà nước. Các yếu tố trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc quyết định hiệu quả của các dự án đào tạo nghề.

 

Loan Phương (Sở CT tỉnh Hà Nam)