Quy hoạch các ngành công nghiệp
Ngày 15/8/2010, giai đoạn 2 của Nhà máy Bia Hà Nội- Mê Linh chính thức được khánh thành và đi vào hoạt động, đưa nhà máy trở thành nhà máy bia hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Khi những mẻ bia đầu tiên của nhà máy ở Mê Linh được đưa ra thị trường, người thưởng thức có thể hoàn toàn yên tâm vì “gu” đặc trưng hàng trăm năm qua của bia Hà Nội vẫn được gi


Nỗ lực tìm nguồn nước truyền thống

Ra đời từ năm 1890, trải qua hơn 120 năm, bia Hà Nội với 3 loại sản phẩm: bia chai, bia hơi và bia lon, đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng không chỉ với người Hà Nội mà còn trên khắp các miền đất nước…Sở dĩ Bia Hà Nội có chất riêng, đặc trưng không chỉ nhờ có bí quyết truyền thống lâu đời với phương pháp lên men cổ truyền, các nguyên liệu chất lượng ổn định, mà đặc biệt là nhờ nguồn nước quý giá, phù hợp sản xuất ra loại bia đã được người Pháp thăm dò, khảo sát chất lượng nước tại làng Đại Yên, Ngọc Hà, Hà Nội (nay là 183 Hoàng Hoa Thám).

Khi mới ra đời, nhà máy bia Hommel (tên của một người Pháp) chỉ có khoảng 30 công nhân và sản xuất 150 lít bia hơi/ ngày. Theo thời gian, bia Hommel phát triển, mở rộng dần thị trường sang các vùng khác ở Đông Dương, đến năm 1957 được đổi tên thành Nhà máy bia Hà Nội (nay là Tổng công ty Bia- Rượu- Nước giải khát Hà Nội). Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đất nước, thị trường bia ngày càng lớn mạnh, tuy nhiên, vào thời điểm năm 2003, tổng công suất của Habeco mới chỉ đạt 50 triệu lít/năm. Đến năm 2004, dự án đầu tư chiều sâu đổi mới thiết bị công nghệ, nâng công suất bia Hà Nội lên 100 lít/năm được đưa vào sử dụng. Trong bối cảnh đó, dự án đầu tư nhà máy sản xuất bia công suất 100 triệu lít/năm là vừa phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển ngành Bia- Rượu- Nước giải khát và quy hoạch tổng thể vùng kinh tế Đông Bắc do Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt, đảm bảo định hướng phát triển ngành và vùng kinh tế.

Vào thời điểm này, bia Hà Nội chỉ có ưu thế trên thị trường miền Bắc, từ khu vực miền Trung trở vào, sản phẩm bia Hà Nội gần như vắng bóng. Điều đó cho thấy, vẫn còn có một thị trường tiềm năng đầy hứa hẹn mà Habeco bỏ ngỏ. Thực tế đó đã thôi thúc Habeco phải có chiến lược phát triển để chiếm thị phần, không chỉ trong nước mà các các nước trong khu vực và trên thế giới…


Theo đó, Habeco đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực, nắm bắt kịp thời nhu cầu thị trường để xây dựng kế hoạch phù hợp, tăng cường kho bãi, mở rộng thị trường, đầu tư có hiệu quả các chương trình khuyến mãi bán hàng... Đồng thời, luôn chú trọng và giám sát chặt chẽ chất lượng từ khâu sản xuất đến khâu lưu thông ra thị trường, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng và uy tín thương hiệu. Chính vì vậy, công tác sản xuất và tiêu thụ bia, rượu các loại luôn đạt được mức tăng trưởng ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh chiến lược mở rộng thị trường, việc nâng công suất đang là vấn đề được đặt ra đối với Habeco, bởi với công suất 100 triệu lít/năm, bia Hà Nội mới chỉ đáp ứng được một phần thị trường. Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định 58/2003/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Rượu- Bia- Nước giải khát Việt Nam đến năm 2010, theo đó dự kiến sản lượng bia của Habeco sẽ là 200 triệu lít/năm.

Thực hiện quy hoạch phát triển ngành rượu bia được Chính phủ phê duyệt, lãnh đạo Habeco đã lên kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy bia mới để tăng công suất, sản lượng bia theo chiến lược phát triển lâu dài. Vừa làm kế hoạch, lãnh đạo Habeco, ban quản lý dự án và các chuyên gia kỹ thuật vừa tiến hành khảo sát tìm kiếm địa điểm xây dựng nhà máy ở nhiều nơi, cốt tìm được địa điểm tối ưu với tiêu chí về địa thế, mặt bằng, khoảng cách với trung tâm Hà Nội ... để xây dựng nhà máy. Nhưng yêu cầu quan trọng nhất là chất lượng nguồn nước ngầm phải phù hợp để phục vụ cho việc sản xuất ra các sản phẩm bia Hà Nội đảm bảo hương vị truyền thống vốn có hơn trăm năm nay. Nguồn nước đó phải đảm bảo được cả về chất lượng và khối lượng, trong đó đặc biệt chất lượng nước cần có đầy đủ các loại vi khoáng, với hàm lượng chuẩn xác như nguồn nước trên núi Voi, làng Đại Yên, Ngọc Hà, mới làm được những mẻ bia đặc trưng thơm ngon lâu đời của bia Hà Nội. Sau khi tiến hành khảo sát nhiều địa điểm, ban dự án đã tìm được giếng nước tại thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội- nơi nước ngầm có các loại vi khoáng tương ứng như chất lượng nước hiện đang được sử dụng để sản xuất bia ở 183 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội và khối lượng nước ngầm khá lớn, có khả năng đáp ứng cho việc sản xuất lâu dài của nhà máy bia có quy mô lớn nhất trong cả nước với công suất có thể lên tới 200 triệu lít/năm.


Nhà máy bia lớn và hiện đại nhất Đông Nam Á


Sau khi được Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Vĩnh Phúc… đồng ý phê duyệt địa điểm, Dự án xây dựng Nhà máy Bia Hà Nội- Mê Linh do Habeco làm chủ đầu tư chính thức được khởi công ngày 2/6/2008 với công suất giai đoạn 1 là 100 triệu lít/năm và giai đoạn 2 là 200 triệu lít/năm, tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của tổng công ty là trên 70%...

Nhà máy được xây dựng trên diện tích 25.199 m2, bao gồm các hạng mục chính: nhà sản xuất, dây chuyền chiết chai/thành phẩm cao 3 tầng, nhà văn phòng, nhà xử lý nước, nhà bảo vệ, nhà ăn và nhà để xe. Các nhà thầu chính thi công xây dựng nhà máy gồm: Liên danh Nhà thầu Krones AG- Lilama; Hà Nội- Haskoning Việt Nam. Theo lãnh đạo Habeco, dự án vừa đáp ứng tinh thần của Luật Khuyến khích đầu tư trong nước bổ sung, sửa đổi; đồng thời cũng hoàn toàn phù hợp với chính sách phát triển kinh tế- xã hội địa phương, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và địa phương.

Sau hơn 2 năm thi công xây dựng, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn như: khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 dẫn đến trượt giá nguyên vật liệu thi công; các nhà thầu thi công gặp khó khăn về tài chính... Nhưng với quyết tâm cao của toàn thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên tổng công ty, cùng nhà thầu, ngày 11/11/2009, Habeco chính thức khánh thành và đi vào hoạt động giai đoạn 1 Nhà máy Bia Hà Nội- Mê Linh với công suất 100 triệu lít/năm. Đồng thời chính thức khánh thành Nhà máy Bia Hà Nội- Mê Linh với công suất 200 triệu lít/năm.

Sau khi đưa vào khai thác, sản lượng của nhà máy sẽ góp phần nâng tổng sản lượng bia của Habeco từ 431 triệu lít năm 2009 lên 605 triệu lít vào năm 2010. Bên cạnh đó, nhà máy Bia Hà Nội- Mê Linh đi vào sản xuất, Habeco đã tạo công ăn việc làm cho hơn 300 lao động trực tiếp và dự kiến sẽ tạo ra hàng trăm việc làm khác cho các khâu sau bán hàng, đồng thời đóng góp một phần không nhỏ vào ngân sách Nhà nước theo các nghĩa vụ của một doanh nghiệp.

Để đảm bảo cho chất lượng sản phẩm bia mang thương hiệu Habeco, giữ vững uy tín với khách hàng, ngoài việc khảo sát tìm nguồn nước thật kỹ càng, Habeco đã đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại theo tiêu chuẩn công nghệ Đức, hoàn toàn khép kín. Có thể nói, đây là nhà máy sản xuất bia hiện đại bậc nhất Đông Nam Á với hệ thống thiết bị hiện đại đồng bộ được nhập khẩu từ Đức, giúp Habeco luôn chủ động trong việc đảm bảo tối đa về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là việc kiểm soát các mối nguy có thế xảy đến đối với dây chuyền, sản phẩm và nhanh chóng xử lý khi sự cố xảy ra.... Ngoài những công việc quan tâm hàng đầu là xây dựng một nhà máy cho ra những sản phẩm chất lượng tốt nhất xứng tầm với khu vực và quốc tế, HABECO còn dành một phần quan tâm đặc biệt đến việc bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên của nhà máy. Nhà máy đầu tư công nghệ xử lý nước thải hiện đại, đảm bảo nguồn nước xả thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi đưa ra môi trường. Ngoài ra, môi trường cảnh quan của nhà máy được thiết kế xanh, sạch, đẹp…

Bia Hà Nội vốn được xem như một nét văn hoá của Thủ đô Hà Nội, nên cùng với việc Nhà máy Bia Hà Nội- Mê Linh khánh thành đúng dịp cả nước náo nức chuẩn bị chào đón Đại Lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội và được gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, Habeco đã góp phần ghi dấu ấn trong tiến trình phát triển lớn mạnh không ngừng của Thủ đô.
 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử