Sau khi tái lập tỉnh năm 1997, Hà Nam được biết đến là một tỉnh nhỏ thuần nông, kinh tế chậm phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Với số dân gần 80 vạn người nhưng có đến 90% dân số sống ở khu vực nông thôn. Để phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp nhưng phải đạt được mục đích “ly nông bất ly hương”, vấn đề đặt ra là cần phải giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn.


Một trong phần lời giải bài toán này, đó là khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn cũng đồng nghĩa với việc phát triển cụm công nghiệp (CCN) Từ năm 2003, các nhà đầu tư đã được cấp đất để sản xuất – kinh doanh với các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của tỉnh nhà. Giai đoạn này, các nhà đầu tư còn nhỏ lẻ, sản xuất phân tán, đất sản xuất chưa được quy hoạch tổng thể để tập trung phát triển sản xuất. Khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định 1421/QĐ-UBND ngày 16/11/2007 về Quy hoạch mạng lưới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (TTCN) huyện, thị xã; cụm TTCN làng nghề xã, thị trấn tỉnh Hà Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2015 và các Quyết định bổ sung, mở rộng CCN: đã quy hoạch được 22 CCN với tổng diện tích 362 ha.

 


Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã Quy hoạch được 25 CCN với tổng diện tích 513,51 ha và có 16 CCN đi vào hoạt động. Tổng số dự án thu hút đầu tư còn hiệu lực là 153 dự án với tổng diện tích đất thuê là 146 ha, trong đó 104 dự án đã đi vào hoạt động, 26 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, 23 dự án đang hoạt động cầm chừng và tạm dừng hoạt động. Các doanh nghiệp hoạt động trong các CCN đã đóng góp tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giải quyết việc làm cho lao động địa phương (đến nay đã thu hút trên 5.500 người làm việc trong các doanh nghiệp). Tuy nhiên, trong quá trình hình thành và phát triển CCN, có những thuận lợi, khó khăn vướng mắc đan xen nhau, có cả nhân tố khách quan và chủ quan tác động gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư.

 

Thuận lợi lớn nhất mà nhà đầu tư được hưởng là những ưu đãi, hỗ trợ như được giảm tiền thuê đất, đào tạo nghề cho người lao động, …theo các quy định hiện hành. Về hệ thống đường giao thông, 09 CCN đã được hỗ trợ đầu tư hạ tầng bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh được xây dựng tương đối đồng bộ và đã hoàn thiện. Tuy nhiên đến nay, một số đoạn đường bị xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong CCN như: CCN Thi Sơn huyện Kim Bảng. Một số CCN có hạ tầng dùng chung do các doanh nghiệp thuê đất sản xuất kinh doanh tự đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Hiện tại, đang ở giai đoạn thu hút đầu tư, đường giao thông chưa được hình thành hoặc mới hình thành ở mức độ (CCN Thanh Hải – Thanh Liêm).
Về hệ thống điện chiếu sáng mới chỉ có 01 CCN duy nhất sử dụng hệ thống thắp sáng chung, tiền điện phân bổ cho các doanh nghiệp do cụm trưởng thực hiện là CCN Ngọc Động – Duy Tiên. Riêng CCN Cầu Giát - Duy Tiên, vào cuối năm 2012, Trung tâm Phát triển CCN huyện đã huy động các doanh nghiệp đóng góp xây dựng hệ thống điện chiếu sáng và đã hoàn thành đi vào hoạt động. Các CCN khác mặc dù đã được đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng nhưng chưa đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, vẫn còn một số CCN chưa xây dựng hoặc xây dựng dở dang như ở CCN Nhật Tân, CCN Biên Hòa, CCN Thi Sơn của huyện Kim Bảng, CCN Thanh Lưu huyện Thanh Liêm, CCN Cầu Giát huyện Duy Tiên.. Vì thế, các doanh nghiệp trong CCN phải tự trang bị đèn thắp sáng cho khu vực xung quanh doanh nghiệp mình, có doanh nghiệp không thắp sáng. Như vậy, buổi tối nếu đi vào các CCN rất khó khăn, ánh sáng không đồng đều, chỗ sáng chỗ tối gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông trong CCN.

 


Môi trường CCN đang hoạt động đều chưa có trạm xử lý nước thải. Hệ thống cống, rãnh thoát nước của một số CCN không đồng bộ, có nơi cao hơn nền đường, tình trạng tắc nghẽn xẩy ra thường xuyên như CCN Thi Sơn – Kim Bảng, CCN Nhật Tân – Kim Bảng, CCN Ngọc Động – Duy Tiên, CCN Kiện Khê – Thanh Liêm. Đặc biệt ở CCN Nhật Tân và CCN Kiện Khê của huyện Thanh Liêm có doanh nghiệp hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc cho các doanh nghiệp trong CCN và nhân dân địa phương. Vì thế, Giám đốc Sở Công Thương đã chỉ đạo các phòng chuyên môn đi khảo sát, nắm bắt tình hình tìm hướng xử lý đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường Đối với việc sử dụng đất, nhìn chung, các doanh nghiệp sau khi được giao đất đã thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, sử dụng đất hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp đã được giao đất từ trước năm 2010, đến nay chưa sử dụng hết đất, còn bỏ trống gây lãng phí về đất đai…

 


Như vậy, để phát huy những kết quả đạt được và hạn chế những yếu kém trong quá trình hình thành và phát triển CCN, cần thực hiện một số giải pháp, đó là:
Thứ nhất, thường xuyên tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp chấp hành các quy định của pháp luật trong đầu tư, sản xuất kinh doanh; phổ biến các văn bản liên quan về CCN và tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nhà nước về CCN.
Thứ hai, xây dựng và thực hiện quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN đảm bảo nghiêm túc điều kiện, trình tự, thủ tục theo quy định, đảm bảo phát triển CCN phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh và đảm bảo hiệu quả sử dụng đất.
Thứ ba, thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các CCN, kịp thời tham mưu giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình hình thành và phát triển CCN.
Thứ tư, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ quản lý CCN của các huyện, thành phố để hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố khẩn trương kiện toàn bộ máy quản lý và tổ chức hoạt động có hiệu quả việc quản lý các CCN theo quy định của tỉnh.
Thứ năm, tích cực triển khai sử dụng phần mềm nâng cao năng lực quản lý CCN, đảm bảo hiệu quả.
Thứ sáu, tham mưu sửa đổi Quyết định số 13/2010/QĐ-UBND (về Quy chế phối hợp quản lý các CCN trên địa bàn tỉnh) cho phù hợp với thực tiễn nhằm thực hiện tốt Quy chế quản lý CCN ban hành kèm theo Quyết định 105/2009/QĐ-TTg.
Có thể khẳng định rằng, phát triển CCN là hướng đi đúng đắn, tuy nhiên, không tránh khỏi những vấp váp, khó khăn. Nhất là trong giai đoạn vừa qua, nền kinh tế suy thoái kéo theo nhiều hệ lụy, một số nhà đầu tư gặp không ít khó khăn trong sản xuất – kinh doanh. Nhưng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, chắc chắn rằng trong thời gian tới CCN sẽ phát triển theo đúng nghĩa: giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động, góp phần tăng giá trị sản xuất toàn ngành, thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn.

 

 

Sở Công Thương tỉnh Hà Nam