Theo số liệu báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, hiện nay trên địa bàn Tỉnh có 31 CCN trong quy hoạch với tổng diện tích đất 656,37 ha, trong đó có 30 CCN đã thành lập với diện tích 643,27 ha (01 CCN đang lập hồ sơ thành lập với diện tích 13,1 ha); diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch chi tiết là 468,6 ha; diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 334,1 ha; tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN là 71,3%; có 19 CCN đã được phê duyệt QHCT; có 13 CCN được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng; tuy nhiên chỉ có 02 CCN có hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải tập trung (CCN Thọ Xương và Xương Giang II).

Các CCN hoạt động thu hút được 251 dự án đầu tư và đã có 184 dự án đi vào hoạt động sản xuất tạo việc làm cho trên 45.000 lao động địa phương. Công tác phát triển CCN trên địa bàn đã được UBND tỉnh quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ giải phóng mặt bằng, kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cung cấp các dịch vụ điện, nước…, đáp ứng cơ bản nhu cầu mặt bằng cho các dự án đầu tư, di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Hàng năm, các doanh nghiệp hoạt động trong các CCN có những đóng góp đáng kể vào ngân sách tỉnh và địa phương; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập cho người lao động.

Bên cạnh những thuận lợi, công tác phát triển CCN của Bắc Giang còn khá nhiều khó khăn. Việc quản lý các CCN hiện nay cơ bản được giao cho Trung tâm quỹ đất và phát triển các CCN cấp huyện chịu trách nhiệm, không có thực lực (nguồn lực tài chính hạn hẹp). Việc xây dựng hạ tầng CCN phần lớn đều dựa vào ngân sách Trung ương, Tỉnh chỉ có kinh phí đối ứng song cũng hạn chế. Ngoài ra, việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ hỗ trợ ngoài hàng rào còn chưa đồng bộ nên chưa tận dụng được các tiện ích hạ tầng sẵn có, Tỉnh chưa có quy định về giá cho thuê mặt bằng tại các CCN nên khó khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật...

Việc phân bố CCN trên địa bàn theo quy hoạch đã được phê duyệt cũng chưa hợp lý, không phát huy được thế mạnh của các địa phương nhất là yếu tố lao động và nguồn nguyên liệu dẫn đến hiệu quả sử dụng đất chưa cao, gây lãng phí tài nguyên đất. Một số quy hoạch liên quan mới được ban hành (quy hoạch thị trấn, quy hoạch cụm đô thị mới hay quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch sử dụng đất của các huyện, thành phố) có ảnh hưởng tới quy hoạch CCN cần phân bố lại không gian phát triển cho phù hợp hơn.

Để giải quyết những khó khăn tồn tại liên quan đến quản lý, quy hoạch CCN thời gian qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 785/QĐ-UBND ngày 29/12/2016 về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm giúp các CCN phát triển đúng hướng, bền vững và hiệu quả; hoạch định không gian phát triển, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng một cách hợp lý, tiết kiệm; thực hiện quản lý chặt chẽ, đúng quy định việc hình thành, phát triển CCN trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư…

Mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu về cơ bản lấp đầy diện tích các CCN đã được thành lập, đưa tỷ lệ đóng góp của các CCN với tổng giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 33.913 tỷ đồng (giá so sánh 2010) góp phần tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 24,2%/năm.

Theo đó, tỉnh Bắc Giang tiếp tục quy hoạch 30 CCN với tổng diện tích 654,92ha; Điều chỉnh mở rộng 06 CCN với diện tích tăng thêm 137,7ha; Bổ sung 10 CCN với diện tích là 465,6ha; Đưa ra khỏi quy hoạch 01 CCN với diện tích 1,45ha. Như vậy, số lượng CCN theo quy hoạch đến năm 2020 có 40 CCN với tổng diện tích 1.258,22 ha.

 

Cục Công nghiệp địa phương