Thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia (KCQG) đến năm 2012 tại Quyết định 136/2007/QĐ-TTg ngày 20/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã giao kế hoạch hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết (QHCT) và đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) cho 38 tỉnh trong phạm vi cả nước. Đã có 100 CCN được ghi vốn hỗ trợ với tổng kinh phí trên 29 tỷ đồng. Với việc hỗ trợ cụ thể, kịp thời này đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận trong xây dựng, phát triển CCN; tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục.


Kết quả đạt được

Việc triển khai thực hiện các đề án KCQG hỗ trợ lập QHCT và đầu tư hạ tầng CCN thời gian qua đảm bảo đúng quy định về quản lý tài chính, đầu tư xây dựng, công tác quản lý nhà nước về CCN; hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện khá đầy đủ; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện đề án nhìn chung thuận lợi nên việc triển khai các đề án hỗ trợ đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

 

Các đề án KCQG hỗ trợ CCN chủ yếu là hỗ trợ lập QHCT CCN (97/100 đề án, tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 23 tỷ đồng). Mục tiêu của hỗ trợ là tạo ra mặt bằng để thu hút đầu tư, phát triển các ngành nghề sản xuất công nghiệp như: may mặc, chế biến nông - lâm - thủy sản, gia công cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, thủ công mỹ nghệ, di dời các cơ sở sản xuất CN-TTCN có ô nhiễm tại các khu đô thị, khu đông dân vào trong cụm... Việc hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng CCN, mới thực hiện được 03 đề án, với tổng kinh phí hỗ trợ 6,3 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục như hệ thống xử lý nước thải chung, đường giao thông nội bộ của cụm. Trên thực tế triển khai, có 84 đề án (tương ứng với 84 CCN) với tổng kinh phí xấp xỉ 24 tỷ đồng đã thực hiện xong và được thanh quyết toán theo quy định, đạt 84% về số lượng và 80% về kinh phí so với kế hoạch Bộ giao. Một số đề án xin dừng thực hiện do các nguyên nhân như: thay đổi địa điểm quy hoạch, có chủ trương chuyển thành KCN, đã được phê duyệt QHCT trước thời điểm thực hiện hợp đồng,...

 

Theo báo cáo của các địa phương, sau khi được hỗ trợ, nhiều CCN ở vị trí thuận lợi đã và đang được đầu tư hạ tầng và thu hút các dự án thứ cấp. Hiện có 29/84 CCN đã hoạt động, thu hút được 263 dự án đang đầu tư SXKD trong cụm; tạo việc làm cho xấp xỉ 10.500 lao động, chủ yếu là lao động nông thôn; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT hoạt động bước đầu đã thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách cho nhà nước (năm 2012, các dự án trong các CCN đã nộp ngân sách nhà nước 50 tỷ đồng). Điển hình như các CCN: CCN Bình Dương, tỉnh Bình Định (tỷ lệ lấp đầy đạt 100%, tổng GTSXCN năm 2012 đạt 196 tỷ đồng, nộp NSNN năm 2012 đạt 24,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 1.150 lao động); CCN Ea Lê, tỉnh Đắk Lắk (tỷ lệ lấp đầy đạt 93,6%, tổng GTSXCN năm 2012 đạt 100 tỷ đồng, nộp NSNN năm 2012 đạt 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho 110 lao động); CCN Mỹ Hiệp, tỉnh Đồng Tháp (tỷ lệ lấp đầy đạt 90%, tổng GTSXCN năm 2012 đạt 376 tỷ đồng, nộp NSNN năm 2012 đạt 1,23 tỷ đồng, tạo việc làm cho 750 lao động),...

 

Như vậy, mặc dù hỗ trợ của KCQG trong thời gian qua cho các CCN là chưa nhiều nhưng đã động viên kịp thời cho các chủ đầu tư CCN, thể hiện được sự quan tâm, cố gắng của Chính phủ và của ngành Công Thương đối với việc phát triển CCN; bước đầu góp phần tích cực cùng ngân sách địa phương và vốn của chủ đầu tư để đầu tư một số hạng mục hạ tầng thiết yếu (giao thông nội bộ, xử lý nước thải), QHCT cácCCN để tạo mặt bằng thu hút doanh nghiệp, cơ sở CNNT đầu tư vào cụm, tạo ra GTSXCN trên địa bàn, tạo việc làm cho lao động nông thôn,... góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

 

Khó khăn, tồn tại

 

Bên cạnh các kết quả tích cực nêu trên, quá trình triển khai hỗ trợ CCN thời gian qua cũng gặp một số khó khăn, tồn tại, thể hiện ở một số điểm sau:Công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các đề án hỗ trợ tại một số địa phương còn chậm. Một số đề án phải gia hạn hợp đồng làm phát sinh thủ tục giải quyết; tỷ lệ các đề án hỗ trợ lập QHCT CCN phải dừng thực hiện còn cao. Thời gian lập và trình phê duyệt QHCT ở địa phương thường kéo dài, dẫn đến một số đề án phải gia hạn thời gian thực hiện.

 

Ngoài ra, đối tượng hỗ trợ CCN thời gian qua khá hẹp (chỉ thuộc địa bàn KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP); định mức hỗ trợ CCN còn thấp so với nhu cầu thực tế của các địa phương, nhất là đối với các địa phương có điều kiện KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn (tối đa 350 triệu đồng /CCN đối với hỗ trợ lập QHCT; tối đa 3.000 triệu đồng đối với hỗ trợ đầu tư hạ tầng 01 CCN) nên triển khai hỗ trợ gặp một số khó khăn nhất định.

 

Nguyên nhân của những tồn tại

 

Quá trình lập QHCT, đầu tư cơ sở hạ tầng CCN liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường, đầu tư,…, yêu cầu tuân thủ theo trình tự, thủ tục chặt chẽ; liên quan nhiều cấp, ngành tại địa phương. Việc đầu tư hạ tầng CCN cần nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, thủ tục chặt chẽ, mất nhiều thời gian, công sức.... đây là lĩnh vực kém hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư tại các địa bàn KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn.

 

Sự hiểu biết về quy hoạch, đầu tư, xây dựng CCN của các cán bộ làm công tác khuyến công còn hạn chế nên phối hợp xử lý các vấn đề liên quan còn chậm; năng lực của nhiều nhà tư vấn thiết kế lập QHCT CCN còn yếu nên tiến độ trình thẩm định thường kéo dài, phải sửa đi sửa lại nhiều lần đồ án QHCT. Mặt khác, thời gian qua, không có kinh phí hỗ trợ cho các Trung tâm khuyến công các tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch, quản lý, theo dõi, triển khai đề án nên nhìn chung chưa được đi sâu đi sát và đồng hành cùng chủ đầu tư CCN.

 

Ngoài ra, đa số các CCN được hỗ trợ thuộc địa bàn KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn, có vị trí địa lý không thuận lợi, hạ tầng KT-XH xung quanh CCN thấp kém, giao thông tới CCN không thuận lợi nên khó khăn trong việc thu hút doanh nghiệp làm đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp thứ cấp đầu tư trong cụm. Do đa số các CCN được đầu tư xây dựng hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách địa phương với mức hỗ trợ nhỏ giọt và theo kế hoạch ngân sách cấp hàng năm,... vì vậy tiến độ đầu tư thường kéo dài.

 

Đề xuất, kiến nghị Trước hết, để có cơ sở pháp lý triển khai các nội dung khuyến công mới, cũng như cải tiến những nội dung đã và đang thực hiện thì việc sớm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị định 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công là rất cần thiết. Trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn, cần tăng định mức chi hỗ trợ CCN cao hơn mức hiện tại, có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho các địa bàn khó khăn; bổ sung nội dung chi cho công tác quản lý các đề án KCQG. Không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các đề án KCQG. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác hướng dẫn, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác khuyến công; thông tin truyền thông một cách sâu rộng tới các doanh nghiệp, các đối tượng thụ hưởng của Chương trình; quan tâm hỗ trợ công tác xúc tiến đầu tư vào các CCN.

 

Nguyễn Thị Hoa - Phó Trưởng phòng Quản lý Cụm công nghiệp

Cục Công nghiệp địa phương