Quy hoạch các ngành công nghiệp
Hiện cả nước có 21 dự án điện gió quy mô nối lưới phổ biến công suất 30 MW đang được nghiên cứu triển khai tập trung ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định và Lâm Đồng.

 

Khó khăn lớn nhất của việc phát triển điện gió là suất vốn đầu tư khá cao (1,77- 2,77 triệu USD/MW). Để khuyến khích phát triển các dự án đầu tư điện gió, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ các dự án điện gió tại Việt Nam. Theo đó, các dự án điện gió sẽ được hưởng nhiều hỗ trợ phát triển như ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, phí, hạ tầng đất đai, hỗ trợ giá điện đối với dự án điện gió nối lưới.


Cụ thể, các dự án điện gió được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án, hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật liệu, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án điện gió được miễn, giảm như đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Bên cạnh đó, các dự án điện gió và công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối lưới điện quốc gia được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.


Quyết định cũng nêu rõ, vớicác dự án điện gió nối lưới, bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các nhà máy điện gió nối lưới thuộc địa bàn do mình quản lý với giá 1.614 đồng/kWh chưa bao gồm thuế VAT, tương đương 7,8 Uscent/kWh. Nhà nước hỗ trợ giá điện cho Bên mua với giá 207 đồng/kWh thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Bộ Công Thương theo dõi đề xuất Thủ tướng Chính phủ hiệu chỉnh mức giá mua điện trên nguyên tắc giảm dần, tiến tới xóa bỏ trợ giá khi giá bán điện thực hiện theo giá thị trường.

 


Theo: Công Thương điện tử