Sáng ngày 13/9/2012, tại Hà Nội, Cục Công nghiệp địa phương đã tổ chức Hội thảo đánh giá 2 năm thực hiện Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý cụm công nghiệp (CCN).


Đại diện các Bộ Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường; Lãnh đạo Sở Công Thương các địa phương khu vực miền Bắc và Bắc Trung bộ; đại diện một số doanh nghiệp đầu tư hạ tầng CCN và Trung tâm phát triển CCN; các cơ quan báo chí trung ương, ngành… tham dự hội thảo. Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương Ngô Quang Trung chủ trì Hội thảo.


Theo ý kiến chung của các đại biểu, Quy chế quản lý CCN đã tạo ra hành lang pháp lý thống nhất từ trung ương đến các địa phương, làm cơ sở cho các cơ quan quản lý, chủ đầu tư hạ tầng và các đơn vị liên quan chấp hành đúng chủ trương, quy định của Nhà nước về công tác phát triển CCN, hạn chế việc phát triển CCN tự phát, thiếu quy hoạch như trước đây. Sau 2 năm thực hiện Quy chế, công tác quản lý CCN tại các địa phương đều có sự chuyển biến, góp phần định hướng phát triển các ngành CN-TTCN được tập trung hơn, góp phần phát triển sản xuất trên địa bàn, tạo ra nhiều việc làm và trong việc xử lý ô nhiễm môi trường…


Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như: chất lượng công tác lập quy hoạch phát triển CCN chưa cao, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng CCN còn hạn chế (mới chỉ có khoảng 25% chủ đầu tư hạ tầng là doanh nghiệp), tỷ lệ lấp đầy của các CCN còn thấp (trung bình cả nước khoảng 49%); công tác quản lý nhà nước CCN ở nhiều địa phương còn phân tán giữa nhiều sở, ngành… đặc biệt đội ngũ cán bộ quản lý CCN còn mỏng, chuyên môn hạn chế dẫn đến hiệu quả công tác chưa cao…


Tập hợp ý kiến của các đại biểu, theo Phó Cục trưởng Ngô Quang Trung quá trình triển khai thực hiện QĐ 105/2009/QĐ-TTg đã đặt ra một số vấn đề đối với công tác quản lý CCN như: cần có các cơ chế, chính sách như thế nào để thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng CCN; quy định về diện tích tối thiểu CCN; phát triển CCN gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng quy hoạch CCN; nhất là tăng cường vai trò quản lý nhà nước của Sở Công Thương đối với việc phát triển CCN,…


Thông qua việc đánh giá kết quả 02 năm thực hiện Quy chế quản lý CCN, Bộ Công Thương có các đề xuất, kiến nghị với các bộ, ngành liên quan có các giải pháp để công tác quản lý CCN được tốt hơn, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương, đặc biệt là các vùng nông thôn ngày càng phát triển.



TT-ĐT (AIP)