Với đặc thù các khu cụm công nghiệp ở Đắk Lắk hiện vẫn gần như chưa có hệ thống xử lý nước thải nên hoạt động khuyến công cần tập trung ưu tiên cho các dự án xử lý nước thải, góp phần phát triển bền vững ngành công nghiệp địa phương.

 

Đắk Lắk hiện có 9 khu, cụm công nghiệp, với tổng diện tích trên 600 ha và đã có 136 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có gần 65 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các doanh nghiệp này buộc phải “vô tư” xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường làm ô nhiễm nghiêm trọng, gây nhiều bức xúc trong đồng bào các dân tộc, nhất là các khu vực dân cư sinh sống liền kề.


Khu công nghiệp Hoà Phú được khởi công xây dựng từ năm 2004, có diện tích gần 182 ha. Đến nay, khu công nghiệp này đã có 11 dự án đăng ký đầu tư và 5 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, nhưng nước thải công nghiệp vẫn “vô tư” xả ra môi trường tự nhiên. Cụm công nghiệp Tân An 1, Tân An 2 của thành phố Buôn Ma Thuột , với 65,1 ha có 57 nhà thầu thuê đất, trong đó có 26 dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh (trong đó, cụm công nghiệp Tân An 1 đã được lấp đầy 100%).

 

Tuy nhiên, do chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên lâu nay các nhà máy, xí nghiệp ở các cụm công nghiệp này vẫn ngang nhiên xả nước thải chưa qua xử lý ra các hồ nước tự nhiên bên ngoài hàng rào, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho các khu dân cư đồng bào các dân tộc sinh sống liền kề mà TTXVN đã phản ánh mới đây. Các cụm công nghiệp Ea Đar (huyện Ea Kar), Trường Thành (huyện Ea H’Leo), Buôn Hồ (huyện Krông Búk)...cũng đều “tự do” xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý môi trường./.
 


Quang Huy