Theo Quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 53/QĐ-UBND ngày 14/01/2016), trên địa bàn tỉnh có 07 CCN với tổng diện tích là 226,76 ha.


Đến nay, có 3 CCN đã được thành lập (Tháp Chàm, Quảng Sơn, Hiếu Thiện), 4 CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết (Tháp Chàm, Tri Hải, Quảng Sơn, Hiếu Thiện) và 3 CCN (Titan, chế biến thủy sản tập trung và Phước Tiến) đang triển khai các bước để lập quy hoạch chi tiết. Trong các CCN được thành lập, CCN Tháp Chàm đã hoàn thành đầu tư hạ tầng, hiện có 06 dự án hoạt động sản xuất, tỷ lệ lấp đầy 76,69% (13,52 ha/17,63 ha); CCN Hiếu Thiện có 02 nhà đầu tư thứ cấp thực hiện đăng ký thuê đất (6,23 ha), tỷ lệ lấp đầy đạt 20,4% (6,23ha /30,5ha). CCN Quảng Sơn đang triển khai đầu tư hạ tầng và đang có 03 dự án diện cho thuê 7,4 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 24,3%.


Là một tỉnh còn nhiều khó khăn, thời gian qua, Ninh Thuận nhận được nhiều hỗ trợ từ Trung ương cho đầu tư phát triển CCN trên địa bàn, như: Hỗ trợ kinh phí từ Chương trình khuyến công quốc gia cho lập quy hoạch chi tiết CCN Tri Hải, CCN Quảng Sơn. Giai đoạn 2010-2015, Ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN Thành Hải và CCN Tháp Chàm. Dự kiến, giai đoạn 2016-2020, Ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư CCN Quảng Sơn (theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015).


Hiện nay theo quy định, Ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ đầu tư cho 01 CCN (tối đa 50 tỷ đồng), bên cạnh đó do  Ngân sách địa phương hạn chế, nên tỉnh Ninh Thuận chỉ có khả năng đầu tư được 01 CCN. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng các CCN đã được quy hoạch gặp khó khăn trong bố trí vốn lập quy hoạch chi tiết, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đến nay chưa có CCN nào trong các CCN được thành lập của Ninh Thuận xây dựng được hệ thống xử lý nước thải.


Ninh Thuận với vị trí địa lý thuận lợi, văn hóa địa phương đa dạng, có rất nhiều tiềm năng trong phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch… Mục tiêu đến năm 2020, ngành công nghiệp đóng góp 12% GDP và giải quyết 13% việc làm cho lao động của Tỉnh, tuy nhiên thời gian qua tỉnh Ninh Thuận gặp rất nhiều khó khăn trong kêu gọi thu hút đầu tư. Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư, tỉnh Ninh Thuận rất cần sự quan tâm của các Bộ, ngành tiếp tục tạo điều kiện để khai thác và phát triển các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển sản xuất và kinh doanh của Tỉnh. Đồng thời, kiến nghị Ngân sách Trung ương hỗ trợ thêm kinh phí để đầu tư xây dựng hạ tầng và lập quy hoạch chi tiết CCN; có chính sách ưu đãi đầu tư cho nhà đầu tư xây dựng hạ tầng CCN đối với tỉnh khó khăn. Đồng thời, sớm ban hành Nghị định về quản lý và phát triển CCN làm cơ sở thực hiện.


Tú Trần