Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp (CCN), Bộ Công Thương đã khẩn trương, xây dựng, ban hành Công văn số 2585/BCT-CNĐP ngày 27/3/2012 đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc việc rà soát quy hoạch, thành lập và hoạt động của các CCN trên địa bàn

 

Theo đó, yêu cầu các địa phương hoàn thành, gửi báo cáo rà soát, xử lý đối với các CCN chậm triển khai, kém hiệu quả và báo cáo rà soát các dự án không tuân thủ theo quy định của pháp luật, chậm triển khai theo tiến độ tại các CCN để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Bộ Công Thương cũng đã ban hành nhiều văn bản (như văn bản số 9751/BCT-CNĐP, số 9752/BCT-CNĐP, ...) đôn đốc, nhắc nhở các địa phương chưa hoàn thành, thiếu báo cáo rà soát CCN khẩn trương thực hiện đúng thời hạn. Đồng thời, Bộ cũng đã thành lập một số đoàn công tác đến các địa phương để trực tiếp hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg.

 

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải (tại Thông báo số 234/TB-VPCP ngày 08/7/2013 của Văn phòng Chính phủ), Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành tổng hợp, thẩm định báo cáo rà soát các CCN. Kết quả đợt 1, đã có 14 tỉnh/thành phố có báo cáo rà soát đầy đủ, đạt yêu cầu và có phương án quy hoạch CCN đến năm 2020 phù hợp với quy định về CCN và quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt (diện tích quy hoạch CCN không vượt diện tích quy hoạch sử dụng đất CCN). Ngày 5/11/2013, Bộ Công Thương đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ số 10027/TTr-BCT đề nghị xem xét phê duyệt kết quả rà soát và cho phép tiếp tục triển khai quy hoạch, thành lập các CCN đối với 14 tỉnh/thành phố, gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Tây Ninh, Bình Thuận, Sóc Trăng, Long An, Vĩnh Long.

 

Kết quả rà soát của 14 tỉnh/thành phố

 

Về quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN: Theo hiện trạng quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020 của 14 địa phương, có 336 CCN với tổng diện tích 16.041 ha; trong đó, có 192 CCN đã được thành lập. Các CCN này chủ yếu được hình thành trước khi Quy chế quản lý CCN ban hành kèm theo Quyết định 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực và đang được các địa phương chỉ đạo xử lý theo Thông tư liên tịch số 31/2012/TTLT-BCT-BKHĐT của Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

Trong số 192 CCN được thành lập có 65 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư; 15 CCN do Trung tâm phát triển CCN làm chủ đầu tư, CCN còn lại do UBND cấp huyện (ban quản lý dự án của huyện) hoặc đơn vị sự nghiệp khác làm chủ đầu tư.Công tác triển khai đầu tư hạ tầng, có 154 CCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng; trong đó, có 113 CCN được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng, đang thực hiện các thủ tục đầu tư, tổ chức thi công xây dựng. Các CCN được đầu tư chủ yếu dưới hình thức cuốn chiếu (vừa đầu tư hạ tầng vừa cho thuê đất); tiến độ đầu tư xây dựng chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu về mặt bằng sản xuất và khả năng nguồn vốn của doanh nghiệp.

 

Trong các CCN đã thành lập thì có 117 CCN đang hoạt động, thu hút các dự án vào đầu tư với tổng diện tích đất tự nhiên 4.484 ha; trong đó, diện tích đất công nghiệp (theo quy hoạch) là 2.719ha, chiếm 60,6%. Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê trong các CCN này đạt 1.488 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 55%. Các CCN đi vào hoạt động đã thu hút được 1.463 dự án đầu tư, tạo việc làm cho 56.700 lao động ở địa phương. Tuy nhiên, mới có 11 CCN có công trình xử lý nước thải đi vào hoạt động.Về rà soát, xử lý đối với các CCN chậm triển khai, kém hiệu quả, có 95 CCN chậm triển khai, kém hiệu quả. Trong đó, có 44 CCN chưa triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng và 51 CCN đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng. Đối với các CCN chưa triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng, các địa phương đã tiến hành xác định nhu cầu, nguồn lực đầu tư để có biện pháp đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư hoặc điều chỉnh diện tích, đưa ra khỏi quy hoạch cho phù hợp với thực tế địa phương.

 

Đối với các CCN đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng, các địa phương sẽ đánh giá hiệu quả đầu tư, xử lý theo một trong các hướng: (1) rà soát, thành lập lại CCN hoặc chuyển đổi thành khu công nghiệp để tiếp tục đầu tư phát triển nếu tính khả thi cao; (2) điều chỉnh quy mô CCN cho phù hợp; (3) chuyển đổi sang mục đích khác nếu xét thấy việc đầu tư hạ tầng CCN không còn hiệu quả. Về rà soát, xử lý các dự án chưa triển khai, chậm triển khai hoặc không tuân thủ theo quy định của pháp luật, có 90 dự án. Trong đó, có: 48 dự án chưa triển khai, 37 dự án triển khai chậm, 5 dự án không tuân thủ theo quy định của pháp luật. Đối với các dự án này, các địa phương đã có phương án xử lý dứt điểm theo quy định của pháp luật hoặc có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng. Tùy theo từng mức độ vi phạm mà có biện pháp xử lý phù hợp như: cắt giảm diện tích đất cho thuê, thu hồi giấy phép đầu tư, chuyển giao cho đơn vị khác thực hiện, xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật,...

 

Về phương án quy hoạch phát triển CCN: Trên cơ sở kết quả rà soát, 14 địa phương đã xây dựng, dự kiến phương án giữ nguyên quy hoạch hoặc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các CCN phù hợp với tình hình thực tế và quy định về quản lý CCN. Theo đó, tổng số lượng quy hoạch CCN đến năm 2020 ở 14 địa phương này là 321 CCN với tổng diện tích 13.463 ha (giảm 25 CCN và tổng diện tích giảm 2.577 ha so với trước khi rà soát). Trong đó, 05 địa phương dự kiến giữ nguyên quy hoạch CCN đến 2020 gồm Thái Nguyên, Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai và Vĩnh Long; 05 địa phương dự kiến điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, gồm: Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Tây Ninh và Long An (bổ sung 12 CCN với tổng diện tích 410 ha; rút ra khỏi quy hoạch 51 CCN với tổng diện tích 3.172 ha; điều chỉnh diện tích 20 CCN với diện tích giảm đi 987 ha); 04 địa phương lập Đề án quy hoạch mới CCN (vì chưa có quy hoạch riêng CCN theo Quy chế quản lý CCN), gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng, Phú Yên và Sóc Trăng.

 

Đánh giá kết quả rà soát của 14 tỉnh/thành phố

 

Qua rà soát cho thấy, quy hoạch phát triển CCN ở 7 địa phương được lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện trước khi Quy chế quản lý CCN ban hành. Trong đó, có 4 địa phương lập riêng Đề án quy hoạch CCN (gồm: Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Phú Yên và Bình Thuận); 3 địa phương có phương án quy hoạch được lồng ghép trong quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (gồm: Cao Bằng, Tây Ninh và Sóc Trăng). Vì vậy, chất lượng quy hoạch các CCN chưa cao; chưa bám sát nhu cầu thực tế sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng CCN còn hạn chế.

 

Trong 14 tỉnh/thành phố thì có 06 địa phương lập, phê duyệt Đề án quy hoạch CCN sau khi Quy chế quản lý CCN được ban hành, trong đó: 02 địa phương (Thái Nguyên, Bình Định) lập riêng Đề án quy hoạch CCN, 04 địa phương (Khánh Hòa, Gia Lai, Long An và Vĩnh Long) phương án quy hoạch được lồng ghép trong quy hoạch phát triển CN-TTCN. Do vậy, công tác quản lý quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN đã được các địa phương nhận thức đúng mức, tổ chức thực hiện theo trình tự, quy định của pháp luật; hạn chế việc phát triển CCN tự phát, thiếu quy hoạch như trước đây.

 

Cũng thông qua việc rà soát hoạt động của các CCN cho thấy, các CCN ở các địa phương này thời gian qua đã phát huy kết quả nhất định, thu hút được một số lượng lớn các dự án đầu tư vào cụm (1.463 dự án), giải quyết việc làm đáng kể cho lao động ở các địa phương (56.700 người); góp phần thu hút đầu tư phát triển CN-TTCN ở địa phương theo định hướng quy hoạch; đồng thời di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, thuận tiện cho việc xử lý ô nhiễm môi trường; thông qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn. Một số địa phương có các CCN đi vào hoạt động đạt tỷ lệ lấp đầy cao như: Nghệ An (84 %), Phú Yên (80 %), Khánh Hòa (100 %), Đồng Nai (83 %), Long An (79 %).

 

Về dự kiến phương án quy hoạch CCN đến năm 2020, sau khi rà soát các địa phương đã chủ động có biện pháp xử lý điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế theo đúng chỉ đạo tại Chỉ thị số 07/CT-TTg và quy định tại Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo hướng giảm số lượng cụm và tổng diện tích quy hoạch cụm; đồng thời cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý phát triển CCN trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.

 

Phương án quy hoạch của các địa phương phù hợp với quy định tại Quy chế quản lý CCN, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn được Chính phủ phê duyệt. Các địa phương (gồm Bắc Kạn, Cao Bằng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Phú Yên và Sóc Trăng) đã có hồ sơ, nội dung Đề án quy hoạch hoàn thiện gửi Bộ Công Thương chờ thỏa thuận, phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Các tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Long An đã có quyết định rút khỏi quy hoạch, điều chỉnh diện tích quy hoạch các CCN (rút khỏi quy hoạch 51 cụm, điều chỉnh diện tích 20 cụm) để đảm bảo hiệu quả sử dụng đất, phù hợp với quy định của pháp luật.

 

Một số đề xuất/kiến nghị

 

Căn cứ kết quả rà soát được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ làm việc cụ thể với từng địa phương để rà soát, thống nhất danh mục quy hoạch các CCN đến năm 2020 trên địa bàn; đồng thời tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện theo đúng quy định. Đối với các địa phương được phê duyệt đợt này, đề nghị UBND các tỉnh tập trung xử lý dứt điểm các CCN chậm triển khai, kém hiệu quả; các dự án trong CCN chưa triển khai, chậm triển khai, vi phạm pháp luật; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan tại các CCN; tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 

Đối với 49/63 tỉnh/thành phố còn lại mặc dù hoàn thành, có báo cáo rà soát quy hoạch CCN nhưng báo cáo còn thiếu, chưa đạt yêu cầu, đề nghị hoàn thiện báo cáo rà soát đầy đủ, đạt yêu cầu theo Chỉ thị số 07/CT-TTg và hướng dẫn của Bộ Công Thương tại văn bản số 2585/BCT-CNĐP, sớm gửi Bộ Công Thương tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kết quả rà soát./.

 

Nguyễn Văn Thịnh,

TP. Quản lý Cụm công nghiệp

Cục Công nghiệp địa phương