Theo số liệu điều tra năm 2008 của Bộ Công Thương, tại các địa phương trên cả nước, chỉ có 39% số doanh nghiệp đủ mặt bằng sản xuất kinh doanh, còn lại gần 61% doanh nghiệp thiếu hoặc đang gặp khó khăn và 89,6% trong số này có nhu cầu được mở rộng mặt bằng. Như vậy, việc xây dựng các cụm công nghiệp (CCN) ở địa phương phục vụ các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (DNCNNT) được coi là một biện pháp quan trọng để phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), nhằm tạo mặt bằng để thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển các CCN lại như một “con thuyền không lái”, thiếu quy hoạch, kế hoạch tổng thể; thiếu hành lang pháp lý quản lý đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp từ trung ương tới địa phương; thiếu thống nhất cơ quan đầu mối quản lý ở các địa phương; thiếu doanh nghiệp tham gia đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN; thiếu cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng... nên dẫn đến việc quản lý các CCN còn nhiều bất cập.
Như vậy, Quy chế Quản lý CCN được ban hành sẽ là kim chỉ nam cho các địa phương trong việc quản lý và lập Quy hoạch phát triển CCN, nhằm tránh xây dựng CCN tràn lan và lãng phí; tạo dựng cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển từ các thành phần kinh tế, nhất là đối với các DNCNNT, các cơ sở sản xuất, hộ gia đình trong các làng nghề, làng nghề truyền thống. Đồng thời, từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, khu vực dân cư; tăng cường công tác quản lý quy hoạch, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa.
Theo đó, những lĩnh vực, ngành nghề, cơ sở sản xuất được khuyến khích đầu tư trong cụm công nghiệp gồm có: Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất sản phẩm mới, sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu; sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động; sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, nông thôn; các ngành công nghiệp phụ trợ; cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ tiên tiến, triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, thân thiện với môi trường; cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm cần di dời ra khỏi làng nghề, khu dân cư; cơ sở dịch vụ phục vụ sản xuất của các ngành CN-TTCN; các lĩnh vực, ngành nghề khác phù hợp quy hoạch phát triển CN-TTCN của địa phương được khuyến khích theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên nguyên tắc không được vượt khung quy định của pháp luật.
Có thể thấy rằng, Quy chế quản lý CCN được ban hành là rất cần thiết đối với các cấp, ngành cả ở trung ương và địa phương. Dựa vào đó, các địa phương có thể chủ động xây dựng được quy hoạch tổng thể phát triển CCN trên địa bàn; xây dựng được các kế hoạch cụ thể phục vụ cho công tác quản lý đối với các cụm công nghiệp.
Ngay tại Điều 2 của Quy chế đã nêu rõ: “Cụm công nghiệp là khu vực tập trung các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN, có gianh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống; được đầu tư xây dựng chủ yếu nhằm di dời, sắp xếp, thu hút các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cá nhân, hộ gia đình ở địa phương đầu tư vào sản xuất, kinh doanh….”. Cụm công nghiệp khi được thành lập mới có quy mô diện tích không quá 50ha. Trường hợp cần thiết phải mở rộng cụm công nghiệp hiện có thì tổng diện tích sau khi mở rộng cũng không vượt quá 75ha. Điều đó đã cho thấy có sự khác biệt cơ bản giữa CCN và KCN cả về quy mô diện tích và đối tượng thu hút đầu tư chủ yếu mà bấy lâu nay chưa có một văn bản pháp lý nào để cập tới.
Cũng theo Quy chế này, CCN chỉ được thành lập khi đáp ứng đủ các điều kiện: nằm trong Quy hoạch phát triển CCN đã được phê duyệt; có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN và có khả năng đạt tỷ lệ lấp đầy từ 30% trở lên trong vòng 1 năm sau khi thành lập (Điều 5 của Quy chế). Đây là các điều kiện rất cần thiết để khuyến khích sử dụng tiết kiệm và hiệu quả quỹ đất của từng địa phương, đảm báo tính khả thi của CCN, tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí nguồn lực của xã hội. Đồng thời, CCN chỉ được mở rộng khi đáp ứng các điều kiện như: có quỹ đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện, đáp ứng nhu cầu mở rộng Cụm công nghiệp; nhu cầu thuê đất công nghiệp trong cụm công nghiệp vượt quá diện tích đất công nghiệp hiện có của cụm công nghiệp; đồng thời Cụm công nghiệp đó đã đạt tỷ lệ lấp đầy ít nhất 60% và đã có công trình xử lý nước thải tập trung đối với cụm có diện tích từ 15 ha trở lên (Điều 6 của Quy chế). Chắc chắn, với những điều kiện này sẽ đòi hỏi các địa phương cần phải tổ chức quản lý và giám sát một cách chặt chẽ trước khi quyết định cho phép mở rộng quy mô diện tích của các cụm công nghiệp hiện có đang hoạt động trên địa bàn.
Như vậy, có thể nói, Quy chế quản lý CCN được ban hành vừa là căn cứ để xem xét, quyết định việc thành lập, mở rộng hoặc bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp; đồng thời, còn có vai trò quyết định trong việc lập kế hoạch di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi làng nghề, khu dân cư và vận động, thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh vào CCN.
Theo số liệu tổng hợp của Cục Công nghiệp địa phương thì hiện nay, cả nước có khoảng trên 900 CCN đã được thành lập hoặc có chủ trương thành lập, nhưng nhìn chung, quá trình đầu tư xây dựng và phát triển cụm công nghiệp ở các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Phần lớn các cụm công nghiệp đã được thành lập, nhưng chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải chung cho CCN. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn và thiếu cơ chế hỗ trợ của Nhà nước. Chưa thu hút được nhiều các nhà đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng, mặc dù không ít địa phương đã trải “thảm đỏ” mời thu hút đầu tư vào CCN, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà cho lắm. Bởi lẽ, khả năng thu hút các cơ sở sản xuất trên địa bàn vào cụm công nghiệp còn thấp...
Do vậy, để có thể thúc đẩy phát triển các CCN một cách ổn định và bền vững, Nhà nước cần tăng cường xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển CCN, trong đó chú trọng đến việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ công tác di dời, đào tạo nhân lực,...
Hiện nay, Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện Quy chế; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp. Đặc biệt, trong đó là việc xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Hy vọng trong thời gian tới, các chính sách hỗ trợ phát triển CCN của Chính phủ sẽ giúp cho việc phát triển các CCN ngày càng giảm bớt được những khó khăn; tạo điều kiện cho các DNCNNT, các cơ sở sản xuất, hộ gia đình phát triển ổn định và bền vững; góp phần thúc đẩy xây dựng và phát triển nông thôn mới.
CTV. Lê Hằng