Một số HTX đã mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp, đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực, vươn lên hoạt động có hiệu quả, nhiều HTX đã mở rộng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để cung ứng vật tư, thực hiện các dịch vụ đầu vào cho xã viên, tích cực tham gia các phong trào xã hội, nâng cao thu nhập cho người lao động, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng liên doanh, liên kết được nhiều HTX triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả, không những đem lại lợi nhuận cho HTX, mà còn hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển. Tính đến ngày 30/6/2014 cả nước có khoảng 20.000 HTX, (trong đó ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng khoảng 30%); có 53 liên hiệp HTX (không có liên hiệp HTX nào được thành lập mới).
Ngày 20/11/2012, Luật HTX số 23/2012/QH13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013 thay thế Luật HTX 2003; ngày 21/02/2013 Bộ Chính trị ra Kết luận số 56-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; ngày 21/11/2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 193/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật HTX, đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng tạo thuận lợi thúc đẩy HTX nói chung và HTX ngành Công Thương nói riêng phát triển.
Hoạt động của các HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) cũng chịu nhiều ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, khó khăn tiếp cận vay vốn tín dụng, thiếu vốn để đầu tư nâng cấp trang thiết bị máy móc, chất lượng sản phẩm chưa cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Phần lớn các hợp tác xã CN-TTCN có quy mô không lớn, trình độ kỹ thuật công nghệ lạc hậu, lao động thủ công là phổ biến, nhưng một số ít HTX đã chủ động tìm hướng đi thích hợp, đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, nâng cao chất lượng, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm,...
Các HTX sản xuất hàng thủ công truyền thống trong các làng nghề CN-TTCN, tiếp tục được khôi phục và phát triển, hoạt động hiệu quả hơn, sản phẩm của các HTX đã được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận, giải quyết việc làm cho xã viên và tăng thu nhập cho người lao động. Ở nhiều nơi, các hộ nghề đã tập hợp trong các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết trong việc cung ứng vật tư, nguyên liệu, kỹ thuật, cải tiến mẫu mã và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tính đến hết năm 2013, cả nước có 3.070 hợp tác xã CN-TTCN, giảm 2 HTX đạt gần 99,94%, so với cuối năm 2012. Đến ngày 30/6/2014 cả nước có 3.075 hợp tác xã CN-TTCN, tăng 5 hợp tác xã đạt gần 100,16% (trong đó, thành lập mới 9 HTX, giải thể 4 HTX) so với năm 2013; tăng 1 HTX so với cùng kỳ năm 2013.
Ngày 21/5/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công, theo đó, Bộ Công Thương ban hành: Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP; Thông tư số 36/2013/TT-BCT ngày 27/12/ 2013 quy định về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia. Liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18/02/2014 hướng dẫn trình tự lập, quản lý kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương. Trong đó, quy định đối tượng áp dụng có cả các HTX thành lập, hoạt động theo Luật HTX và các tổ hợp tác trực tiếp đầu tư, sản xuất CN-TTCN tại huyện, thị xã, thị trấn, xã và các phường thuộc thành phố loại 2, loại 3, các phường thuộc thành phố loại 1 được chuyển đổi từ xã chưa quá 5 năm.
Theo đó, Chương trình Khuyến công quốc gia năm 2014 ước tính hỗ trợ cho khoảng 20 HTX được thụ hưởng (khoảng 55,5%), với tổng kinh phí hỗ trợ trên 2.500 triệu đồng (khoảng 53,76%) so với năm 2013. Dự kiến kết quả, đào tạo cho gần 700 lao động (khoảng 43,75%), hỗ trợ xây dựng được 7 mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất (khoảng 46,65%) so với năm 2013 và hỗ trợ các gian hàng tiêu chuẩn cho các HTX tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước.
Hoạt động khuyến công đã hỗ trợ thiết thực, có hiệu quả thúc đẩy công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở CNNT, trong đó có thành phần kinh tế tập thể, HTX, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển. Hoạt động khuyến công đã giúp các HTX xác định hướng đầu tư đúng, có hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; giúp các HTX phát triển theo hướng bền vững và dần từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao tay nghề cho đội ngũ lao động làm việc trong các hợp tác xã,... Phát triển các hợp tác xã CN-TTCN ở những ngành nghề có thế mạnh, có nguồn nguyên liệu tại chỗ, sử dụng lực lượng lao động tại địa phương, chủ yếu là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng trong nước và thay thế nhập khẩu, hướng tới xuất khẩu, tiểu thủ công nghiệp kết hợp với du lịch,... Phát triển HTX ngành Công Thương gắn với các quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn từng tỉnh, từng vùng và trên phạm vi cả nước.
Năm 2014, Cục Công nghiệp địa phương (CNĐP) trực thuộc Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 285/CNĐP-QLKC ngày 04/6/2014 về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2015. Nội dung hoạt động khuyến công dự kiến thực hiện từ năm 2014 căn cứ theo quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT, các văn bản hướng dẫn liên quan; Chương trình khuyến công địa phương, các quy hoạch phát triển công nghiệp và kế hoạch phát triển CN-TTCN của địa phương,... để lập đề án. Trên cơ sở đăng ký của các địa phương, các đơn vị, Cục CNĐP sẽ tổng hợp, trình Bộ Công Thương giao kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2015 để hỗ trợ các đối tượng, trong đó có các HTX, tổ hợp tác có nhu cầu và đã được Sở Công Thương thẩm định đề án theo quy định.
Thời gian tới, cần tăng cường hoạt động khuyến công để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực CN-TTCN, tập trung vào những ngành nghề có thế mạnh, có nguồn nguyên liệu tại chỗ, sử dụng lao động tại địa phương, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy hải sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, thay thế nhập khẩu và phục vụ xuất khẩu, tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch,... có ưu tiên hỗ trợ đối với các đối tượng nói chung, khu vực kinh tế tập thể nói riêng tại các vùng khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo,... theo chính sách dân tộc của Chính phủ, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Phòng CNHT & HN (ARID)