Nằm ở vị trí trung tâm của vùng Việt Bắc, Thái Nguyên tiếp giáp với các tỉnh: Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Giang và Thủ đô Hà Nội. Cách Hà Nội 70 km, cảng Hải Phòng 200 km, những năm gần đây, Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông cả về đường bộ, đường sắt, đường sông. Điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội có nhiều thuận lợi, cho phép Thái Nguyên phát triển cơ cấu kinh tế với nhiều thế mạnh khác nhau.

Với địa hình đa dạng, ít chịu tác động của các yếu tố thời tiết cực đoan nên Thái Nguyên có thế mạnh về nông nghiệp. Từ lâu, Tỉnh được biết đến là vùng trồng chè có quy mô và chất lượng nhất cả nước, đồng thời có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú về chủng loại là những lợi thế để các nhà đầu tư có thể đầu tư chế biến sâu các loại khoáng sản và vật liệu xây dựng.

Đặc biệt, Thái Nguyên có tiềm năng phát triển du lịch kết hợp danh thắng, di tích lịch sử, văn hóa đặc trưng. Đó là khu du lịch quốc gia Hồ núi Cốc với hàng trăm điểm di tích, khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa nơi lưu giữ các tư liệu quý giá về hoạt động của Bác Hồ và Trung ương Đảng, Chính phủ trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Khu di tích khảo cổ học Thần Sa, Phượng Hoàng; Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam là những điểm đến hấp dẫn khách du lịch.

Thái Nguyên còn là trung tâm giáo dục đứng thứ 3 trên cả nước, với 09 trường đại học, trên 25 trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp; 52 cơ sở dạy nghề hàng năm đào tạo khoảng 140 nghìn học sinh, sinh viên có trình độ, tay nghề lao động, đáp ứng tốt nhu cầu nguồn lao động cho các nhà đầu tư.

Điều quan trọng, đến với Thái Nguyên nhà đầu tư luôn nhận được sự đồng hành, tạo điều kiện nhất của chính quyền. Nhất quán chủ trương 3 đồng hành, 5 hỗ trợ doanh nghiệp, sự thân thiện, trách nhiệm của những người đứng đầu Tỉnh đã tạo dựng được niềm tin đối với nhà đầu tư. Minh chứng cho điều này, những năm gần đây tỉnh Thái Nguyên liên tục xếp trong nhóm đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, chỉ số cải cách hành chính PVNindex cải thiện đáng kể. Tất cả các thủ tục đầu tư trên địa bàn đều giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, thời gian giải quyết các TTHC được rút ngắn hơn so với quy định. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, là yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết được đặt ra không chỉ với người đứng đầu mà với từng cán bộ công chức của Tỉnh từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Tỉnh Thái Nguyên hiện có 06 khu công nghiệp, diện tích gần 1.500 ha; quy hoạch 35 cụm công nghiệp với diện tích 1.259 ha, trong đó có 23 cụm công nghiệp được thành lập với diện tích 894 ha. Với trên 6.100 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có sự góp mặt của nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước: Tập đoàn đa quốc gia Samsung, Công ty cổ phần tập đoàn Masan, CTCP tập đoàn INDECCO, CTCP đầu tư và thương mại TNJ, Công ty CP khoáng sản và luyện kim Trung Thành… cùng nhiều dự án khác.

Với vị trí thuận lợi, môi trường đầu tư hấp dẫn, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, cùng với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cho các nhà đầu tư trong suốt quá trình trước, trong và sau khi thực hiện đầu tư, Thái Nguyên luôn chào đón, sẵn sàng hợp tác với các đối tác có tiềm lực kinh tế đầu tư vào tỉnh, mong muốn các nhà đầu tư đến Thái Nguyên biến lợi thế, tiềm năng thành hiện thực để xây dựng hình ảnh Thái Nguyên năng động và phát triển bền vững.

TBT