Tính đến 31/12/2012, cả nước có 878 CCN đã thành lập hoặc đã hình thành trước khi QĐ 105/2009/QĐ-TTg có hiệu lực, với tổng diện tích 32.647 ha; trong đó có 220 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư; 150 CCN do Trung tâm phát triển CCN làm chủ đầu tư; các CCN còn lại do UBND cấp huyện (ban quản lý dự án của huyện) hoặc đơn vị sự nghiệp khác làm chủ đầu tư.


Góp phần phát triển kinh tế địa phương

 

Hiện cả nước có 615 CCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 16.166 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 50,14%. Tuy nhiên, hiện mới có 49/63 tỉnh, thành phố ban hành Quy chế phối hợp quản lý CCN; 17/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt quy hoạch riêng về CCN; có 16 địa phương đã và đang lập quy hoạch, 6 địa phương đề nghị điều chỉnh bổ sung quy hoạch nhưng chưa được phê duyệt theo Chỉ thị số 07/CT-TTg.

 

Trong đó, 14/63 địa phương đã ban hành, thực hiện cơ chế chính sách riêng về phát triển CCN; 12/63 địa phương lồng ghép nội dung hỗ trợ CCN trong các văn bản quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư chung của địa phương; 36 địa phương chưa có cơ chế chính sách phát triển CCN.Theo các chuyên gia, Quy chế quản lý cụm công nghiệp được ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg đã tạo ra hành lang pháp lý thống nhất quản lý CCN từ trung ương đến các địa phương. Kết quả, các CCN trong cả nước đã thu hút được trên khoảng 8000 dự án đầu tư vào CCN, tạo việc làm cho khoảng 520.000 lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn. góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo định hướng quy hoạch; di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, thuận tiện cho việc xử lý ô nhiễm môi trường.

 

Còn nhiều khó khăn

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, chất lượng phát triển CCN chưa cao, chưa bám sát nhu cầu thực tế sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn; chưa có tính liên kết trong phát triển CCN nhằm phát huy lợi thế của địa phương. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng CCN còn hạn chế; mô hình chủ đầu tư là Trung tâm phát triển CCN gặp nhiều khó khăn do ngân sách các địa phương hạn hẹp, thiếu biên chế và kinh phí hoạt động. Công tác quản lý còn nhiều bất cập như: có nhiều CCN đã hoạt động không có quy hoạch chi tiết, không có đơn vị quản lý và kinh doanh hạ tầng, đầu tư dở dang, vấn đề môi trường chưa được cải thiện đáng kể...;

 

Đặc biệt, việc huy động vốn để xây dựng hạ tầng các CCN rất hạn chế nên tiến độ đầu tư kéo dài, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải chưa được chú trọng, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong cụm, bức xúc cho cộng đồng dân cư. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ở nhiều địa phương còn khó khăn, vướng mắc. Tại một số địa phương, việc chấp hành cơ chế, chính sách quản lý CCN còn chưa nghiêm túc. Việc bổ sung quy hoạch CCN không đúng thủ tục; bố trí, chấp thuận dự án đầu tư vào CCN chưa phù hợp với mục tiêu quy hoạch; chưa rà soát, bãi bỏ kịp thời một số văn bản hành chính của địa phương không còn phù hợp với chính sách hiện hành. Tổng nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân sách trung ương để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN cho các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hàng năm (theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg) được cân đối rất thấp. Theo đó, có 415 CCN chậm triển khai hoặc kém hiệu quả (khoảng 23%); 315 dự án chậm triển khai theo tiến độ hoặc không tuân thủ theo quy định của pháp luật. Nguyên nhân cơ bản là: khó khăn về vốn để sản xuất kinh doanh và mở rộng dự án như đã đăng ký, cơ sở hạ tầng không thuận lợi, doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, khó khăn về nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm...

 

Đối với các dự án không tuân thủ theo quy định của pháp luật, vi phạm chủ yếu là việc không sử dụng hết diện tích đất đã cấp, chưa thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường, không trả tiền thuê đất theo quy định, tự ý cho doanh nghiệp khác thuê để sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, một số doanh nghiệp hoạt động không đúng ngành nghề đăng ký...

 

Tìm giải pháp gỡ khó

 

Nhằm khắc phục các tồn tại trên, Bộ Công Thương đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn từ 1-3 CCN với mức hỗ trợ tối đa 20 tỷ đồng/cụm (tổng kinh phí hỗ trợ/tỉnh không vượt quá định mức quy định tại Quyết định 60/2010/QĐ-TTg); Bổ sung các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN vào danh mục ngành nghề, lĩnh vực các dự án vay vốn tín dụng đầu tư tại Nghị định 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. Đồng thời, cho phép doanh nghiệp thành lập mới được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như đầu tư tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn. Các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đề xuất các giải pháp để đảm bảo môi trường của các CCN, giám sát việc chấp hành chủ trương, pháp luật về đầu tư, xây dựng, chỉ đạo quản lý việc quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý hoạt động của các CCN.

 

Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng CCN, tập trung ưu tiên đầu tư những CCN có khả năng lấp đầy nhanh, tận dụng được thế mạnh của địa phương, những CCN nhằm di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đang nằm trong khu dân cư; chú trọng đầu tư xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải tập trung; Xử lý dứt điểm các CCN hình thành trước khi Quy chế quản lý CCN có hiệu lực; Quy hoạch, bổ sung quy hoạch CCN phải phù hợp điều kiện thực tế của địa phương; khi thành lập CCN phải xem xét, tính toán kỹ nhu cầu thực tế, năng lực của chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN, khả năng nguồn vốn và hiệu quả đầu tư. Đồng thời, khẩn trương ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN.

 

Để đảm bảo hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho các CCN, các địa phương phải cam kết bỏ vốn giải phóng mặt bằng, phối hợp với các ban, ngành liên quan xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các hạng mục một cách khoa học để có giải pháp hỗ trợ đầu tư hợp lý nhằm tăng cường thu hút đầu tư, phát triển sản xuất và tăng tỷ lệ lấp đầy tại các CCN.Một nội dung quan trọng là cần rà soát, đánh giá phân bố địa lý và tiến hành phân vùng các cụm ngành công nghiệp để điều chỉnh được đâu là địa điểm “hạt nhân”, đâu là những CCN phụ trợ, hỗ trợ. Từ đó, sẽ có những chính sách thu hút đầu tư thỏa đáng, tránh tình trạng trùng lắp, không phát huy hiệu quả. Đồng thời, cần xác định qui mô tối thiểu cho từng loại CCN, phân khu chức năng cho từng cụm ngành công nghiệp; hợp lý hóa cơ cấu sản xuất nội bộ CCN và đa dạng hóa mô hình các CCN. Đặc biệt, phát triển cụm ngành công nghiệp cần gắn với phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng và tạo sự liên kết, bổ sung theo chuỗi sản phẩm giữa các DN và giữa các địa phương.

 

CTV.Khánh Chi