Bên cạnh những chính sách hỗ trợ chung theo quy định, khuyến công Bắc Giang đã dành nhiều nguồn lực giúp các sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu của Tỉnh phát triển sản xuất, đặc biệt là quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bắc Giang có 03 sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp quốc gia năm 2017. Đây là những sản phẩm nổi bật, có giá trị kinh tế cao, được sản xuất trên dây chuyền khép kín, bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cụ thể, sản phẩm cao kim tiền thảo của Công ty Cổ phần Dược OPC Bắc Giang được chiết xuất trên dây chuyền hệ thống thiết bị đạt chuẩn, bao gồm: Hệ thống chiết xuất kín đa năng, cô chân không áp suất giảm, sấy vi sóng chân không ở nhiệt độ thấp, bảo đảm an toàn vi sinh và bảo tồn được hoạt tính dược chất. Sản phẩm đã đạt danh hiệu "Huy chương vàng sản phẩm chất lượng cao năm 2016".

Sản phẩm ván ghép thanh do Công ty TNHH Vũ Thịnh sản xuất. Tiền thân là xưởng mộc được thành lập trên cơ sở kế thừa vật chất, kỹ thuật của cơ sở sản xuất mộc Vũ Thịnh. Năm 2010, công ty đầu tư dây chuyền sản xuất gỗ ván ghép thanh với tổng giá trị đầu tư trên 5 tỷ đồng - đây là dây chuyền đầu tiên của tỉnh Bắc Giang. Ưu điểm của gỗ ván ghép thanh là được sản xuất chủ yếu từ gỗ khai thác rừng trồng, gỗ tận dụng với chất lượng cao, không kém sản phẩm nhập khẩu.

Một sản phẩm CNNT tiêu biểu khác được công nhận là chè bản Ven. Chè được canh tác theo quy trình VietGAP với nhiều ưu điểm vượt trội như: Nước chè xanh màu cốm, để qua đêm cũng không đổi màu; bí quyết ủ hương khác biệt... đã giúp sản phẩm khẳng định vị thế trên thị trường.

Theo đại diện Sở Công Thương Bắc Giang, những sản phẩm này sau khi được công nhận sẽ được ưu tiên trong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ để phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2018, Sở Công Thương tiếp tục phân bổ nguồn vốn khuyến công quốc gia và địa phương để hỗ trợ các đơn vị có sản phẩm CNNT tiêu biểu tham dự các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ kinh phí đầu tư đổi mới máy móc thiết bị; mở các lớp dạy nghề; tập huấn kiến thức giúp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, Sở sẽ nghiên cứu, trình UBND Tỉnh các kế hoạch nhằm tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, rút ngắn thủ tục hành chính liên quan giúp các doanh nghiệp  đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, tổng kinh phí khuyến công địa phương thực hiện đợt 1 năm 2018 của Bắc Giang đã được phê duyệt với 2,390 tỷ đồng để triển khai 21 đề án, trong đó có 4 đề án hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu với kinh phí thực hiện 290 triệu đồng.

Kỳ vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, đại diện Công ty Cổ phần Dược OPC Bắc Giang cho hay: Hiện một số đối tác từ thị trường Pháp đã khảo sát năng lực của Công ty để hợp tác, nhập khẩu sản phẩm cao Kim tiền thảo trong năm 2018. Do đó, Công ty mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công cho nội dung ứng dụng công nghệ sản xuất mới nhằm hoàn thiện hơn nữa sản phẩm, đặc biệt là tư vấn về bao bì mẫu mã sản phẩm và xu hướng tiêu dùng.

Đại diện Sở Công Thương Bắc Giang cũng nhấn mạnh, sản phẩm CNNT tiêu biểu đã trở thành thương hiệu chung của tỉnh nên sẽ được các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ về nhiều mặt. Tuy nhiên quan trọng hơn cả là bản thân các chủ sở hữu cần chủ động xây dựng chương trình cụ thể về đầu tư, khai thác thị trường để phát huy lợi ích của chính sách, nguồn vốn hỗ trợ.


TBT