Theo Báo cáo, hiện nay các cụm công nghiệp (CCN) trong cả nước đã thu hút được trên 7300 dự án đầu tư, với lượng vốn đăng ký đầu tư trên 112.000 tỷ đồng; tạo ra trên 460 nghìn việc làm. Việc tổ chức, quản lý CCN hoạt động hiệu quả, bền vững góp phần quan trọng vào định hướng phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thúc đẩy công nghiệp của các địa phương phát triển. Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương Ngô Quang Trung cho biết rõ hơn về vấn đề này.

 

Trước hết, xin Ông cho biết tổng thể về công tác quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển CCN của các địa phương trên cả nước? Ông đánh giá như thế nào về chất lượng quy hoạch, việc quản lý quy hoạch phát triển CCN ở các địa phương hiện nay?

 

Phó Cục trưởng Ngô Quang Trung: Theo quy hoạch phát triển CCN ở các địa phương, đến năm 2020 cả nước dự kiến có 1.752 CCN với tổng diện tích khoảng 81.800 ha. Trong đó, các vùng quy hoạch nhiều CCN như: Vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ có 553 CCN, tổng diện tích 19.318,1ha; Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 316 CCN với hơn 30.080 ha.

 

 Cả nước hiện có 614 CCN đã thu hút được các dự án đầu tư sản xuất. Tổng diện tích đất công nghiệp (theo quy hoạch) của các CCN đã hoạt động là 16.166 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân của CCN là 50,1%. Các CCN đi vào hoạt động đã thu hút được 7.312 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 112.000 tỷ đồng. Các dự án này hoạt động đã thu hút khoảng 461.000 lao động. Tuy nhiên, đa số các CCN chưa hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung của CCN chưa được quan tâm đúng mức.

 

 Từ khi có Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý CCN, việc quản lý quy hoạch phát triển CCN của các địa phương đã từng bước đi vào nền nếp, quá trình lập quy hoạch phát triển CCN; bổ sung quy hoạch, thành lập và mở rộng CCN đã được các địa phương thực hiện theo đúng quy định. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, do quy hoạch phát triển CCN được lập trước khi Quyết định 105/2009/QĐ-TTg có hiệu lực, vì vậy chất lượng quy hoạch nhìn chung chưa cao, chưa bám sát nhu cầu thực tế sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn; chưa có tính liên kết trong phát triển CCN nhằm phát huy lợi thế của địa phương... đây là một trong những khó khăn, tồn tại trong quản lý đầu tư phát triển CCN. Hiện nay, Bộ Công Thương đang chỉ đạo các địa phương rà soát quy hoạch, xử lý các CCN theo Chỉ thị 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 31/2012/TTLT-BCT-BKHĐT của Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để loại ra khỏi quy hoạch những CCN chậm triển khai, kém hiệu quả hoặc không khả thi, hạn chế tình trạng quy hoạch treo.

 

Những khó khăn, tồn tại hiện nay của các địa phương trong quá trình đầu tư phát triển CCN là gì? Để khắc phục cần bổ sung những cơ chế, chính sách như thế nào, thưa Ông?

 

Phó Cục trưởng Ngô Quang Trung: Việc đầu tư phát triển CCN tại các địa phương hiện nay còn gặp một số khó khăn, tồn tại chính như:

- Thủ tục đầu tư, đền bù, giải phóng mặt bằng để phát triển CCN ở nhiều địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc, mất nhiều công sức, thời gian giải quyết;

 

- Việc huy động các nguồn vốn để xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các CCN rất hạn chế nên tiến độ đầu tư kéo dài, đa số các CCN chưa hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư xây dựng... - Công tác quản lý trước, trong và sau quá trình đầu tư còn một số bất cập (nhiều CCN đã hoạt động không có quy hoạch chi tiết, không có đơn vị quản lý và kinh doanh hạ tầng, đầu tư dở dang, vấn đề môi trường chưa được cải thiện đáng kể)

- Cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích chưa đủ hấp dẫn để các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư kết cầu hạ tầng cũng như đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN.

 

- Công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn, một cửa, một đầu mối trong thu hút đầu tư phát triển CCN chưa được quan tâm triển khai đúng mức.

 

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian qua, Cục CNĐP đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ, các địa phương xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành một số văn bản hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện tốt Quy chế quản lý CCN; phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện cơ chế NSTW hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN tại các Quyết định số 25/2008/QĐ-TTg ngày 05/02/2008, Quyết định số 27/2008/QĐ-TTg ngày 05/02/2008 và Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết và hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN theo Chương trình khuyến công quốc gia.

Vừa qua, Cục CNĐP đã tham mưu, giúp Bộ Công Thương tổng kết, đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả 02 năm thực hiện Quy chế quản lý CCN, trong đó, đã kiến nghị một số nội dung như:

- Cho phép UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc rà soát quy hoạch, thành lập, hoạt động của các CCN theo yêu cầu tại Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 02/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ được tiếp tục thực hiện quy hoạch, bổ sung quy hoạch, thành lập và mở rộng CCN trên địa bàn theo đúng quy định tại Quy chế quản lý CCN;

 

- Tăng cường hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN tại các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn theo Quyết định 60/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

 

- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN vào danh mục ngành nghề, lĩnh vực các dự án vay vốn tín dụng đầu tư tại Phụ lục I của Nghị định 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước;

 

 - Bổ sung thêm trường hợp doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN hoặc dự án đầu tư vào các CCN không nằm trên địa bàn kinh tế xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như đầu tư tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn.

 

- Các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện khung pháp lý về công tác quản lý, phát triển CCN phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế.

 

Hiện nay một số địa phương có ý kiến băn khoăn về vấn đề đầu mối quản lý nhà nước về CCN, xin Ông cho biết thêm về vấn đề này?

 

Phó Cục trưởng Ngô Quang Trung: Đầu mối quản lý nhà nước về CCN ở các địa phương được quy định tại Điều 19, Quy chế quản lý CCN ban hành kèm theo Quyết định 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, việc quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về CCN cho các cơ quan từ UBND cấp tỉnh, Sở Công Thương đến UBND cấp huyện đã khá cụ thể. Quy chế cũng quy định rõ Sở Công Thương được giao là cơ quan đầu mối tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các CCN trên địa bàn.Thực hiện Quy chế quản lý CCN của Thủ tướng Chính phủ, ở cấp tỉnh các địa phương phân công Sở Công Thương làm đầu mối quản lý phát triển CCN trên địa bàn (trong đó, đa số Sở Công Thương giao cho phòng quản lý công nghiệp tham mưu, thực hiện); ở cấp huyện, giao cho Phòng Công Thương/Phòng Kinh tế hạ tầng thực hiện; trên cơ sở đó làm căn cứ bố trí lượng biên chế phù hợp để triển khai nhiệm vụ.

 

Như vậy, để công tác quản lý CCN đạt kết quả tốt cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cấp, các ngành ở địa phương. Đến nay, đã có 45/63 địa phương trên cả nước ban hành Quy chế phối hợp quản lý CCN để phối hợp giữa các cấp, ngành ở địa phương trong việc quản lý CCN trên địa bàn; còn 18 địa phương đang trong quá trình xây dựng, hoặc do số lượng CCN ít nên việc ban hành quy chế phối hợp quản lý CCN chưa được quan tâm chú trọng.

 

Việc tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước CCN ở các Sở Công Thương và Ủy ban nhân dân cấp huyện tại các địa phương hiện nay nhìn chung cũng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Vì vậy, trong phạm vi quyền hạn của mình, các địa phương cần chủ động củng cố tổ chức bộ máy, biên chế và tăng cường nguồn lực cho công tác quản lý CCN để có bước chuyển biến mạnh hơn.

 

Để các CCN hoạt động hiệu quả, bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển công nghiệp của địa phương, theo Ông UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phải quan tâm những vấn đề gì?

 

Phó Cục trưởng Ngô Quang Trung: Để các CCN hoạt động hiệu quả, bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển công nghiệp của địa phương, theo chúng tôi, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung:

 

- Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012 của Thủ tướng chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, CCN. Xử lý dứt điểm các CCN hình thành trước khi Quy chế có hiệu lực theo đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 31/2012/TTLT-BCT-BKHĐT của Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư; kiên quyết việc xử lý các dự án không tuân thủ theo quy định của pháp luật, chậm triển khai theo tiến độ để đảm bảo hiệu đầu tư, chấp hành pháp luật của nhà nước; đồng thời tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan tại các CCN.

 

- Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng CCN để sớm phát huy hiệu quả, ưu tiên đầu tư những CCN có khả năng lấp đầy nhanh, tận dụng được thế mạnh của địa phương, những CCN nhằm di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đang nằm trong khu dân cư; đầu tư xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn.

 

- Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư vào các CCN. Lựa chọn các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong các CCN theo hướng chất lượng, đảm bảo theo quy hoạch đã được phê duyệt, dự án có khả năng phát triển tốt, thân thiện với môi trường hoặc có điều kiện xử lý môi trường...

 

- Công tác quy hoạch, bổ sung quy hoạch CCN phải phù hợp các quy hoạch có liên quan và điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất; quy hoạch tại những vị trí thuận lợi thu hút đầu tư, thuận lợi đấu nối với kết cấu hạ tầng bên ngoài cụm. Khi thành lập CCN phải xem xét, tính toán kỹ nhu cầu thực tế, năng lực của chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN, khả năng nguồn vốn và hiệu quả đầu tư.

 

 - Đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính theo hướng nhanh, gọn, một cửa cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm; rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các CCN;

 

- Tăng cường quản lý nhà nước về CCN theo quy định; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và tập huấn các nghiệp vụ, kỹ năng liên quan đến quản lý CCN cho các đối tượng là cán bộ quản lý, đầu tư xây dựng hạ tầng, kinh doanh trong CCN; tổ chức các hoạt động tham quan, chia sẻ, học tập mô hình phát triển CCN trong và ngoài nước; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và đánh giá việc chấp hành các quy định, chính sách của nhà nước về phát triển CCN đồng thời củng cố tổ chức, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý CCN ở các cấp để đáp ứng yêu cầu thực tế.

Trân trọng cảm ơn Ông.

 

TT-ĐT (AIP). thực hiện