Nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và hoàn thiện cơ chế, chính sách về công tác khuyến công để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Tỉnh, triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ về khuyến công, ngày 11/12/2013, UBND tỉnh Bạc Liêu đã có Quyết định số 28/2013/QĐ-UBND ban hành Quy chế xây dựng, tổ chức thực hiện quản lý chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công và quản lý sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

 

Quy chế quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát, đánh giá, quản lý Chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công.

 

Theo đó, hàng năm Sở Công Thương chủ trì xây dựng kế hoạch và thẩm định cấp cơ sở các đề án khuyến công thực hiện bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia triển khai tại địa phương. Đồng thời, chịu trách nhiệm thẩm định kế hoạch khuyến công hàng năm của tỉnh trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.

 

Các đề án khuyến công được ưu tiên bao gồm: Đề án khuyến công ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và nơi mà công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển; các xã trong kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; các làng nghề có nguồn nguyên liệu và lao động dồi dào.

 

Ưu tiên các đề án hỗ trợ sản xuất, gia công, lắp ráp các sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất các sản phẩm xuất khẩu; sản xuất hàng tiêu dùng và thủ công mỹ nghệ; sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động tại địa phương; hỗ trợ các doanh nghiệp lập đề án sản xuất sạch hơn.

 

Quy chế quy định, các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp tại các huyện, thành phố trong tỉnh vào các ngành nghề sau thì được hưởng kinh phí khuyến công: Công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản và chế biến thực phẩm; sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động; sản xuất hàng công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu; công nghiệp hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất sản phẩm, phụ tùng; lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị, dụng cụ cơ khí, điện, điện tử - tin học; sản xuất gia công chi tiết, bán thành phẩm và công nghiệp hỗ trợ; sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp; khai thác, chế biến khoáng sản tại những địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; áp dụng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở công nghiệp; xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.

 

Hàng năm, các đơn vị đăng ký đề án khuyến công với UBND cấp huyện trước ngày 01 tháng 5; Hồ sơ đăng ký kế hoạch được gửi về Sở Công Thương trước ngày 20 tháng 5 hàng năm. Sau khi thẩm định, đối với đề án khuyến công quốc gia Sở Công Thương gửi hồ sơ đăng ký kế hoạch trước ngày 15 tháng 6 tới UBND tỉnh và Cục Công nghiệp địa phương; đối với đề án khuyến công địa phương, sở Công Thương lập dự toán kinh phí thực hiện gửi sở Tài chính trước ngày 15 tháng 7 hàng năm.

 

Quy chế cũng hướng dẫn đầy đủ về nội dung cơ bản của đề án khuyến công; việc chuẩn bị hồ sơ … Đồng thời cũng nêu cụ thể trách nhiệm của các đơn vị trong tổ chức thực hiện, quản lý chương trình, kế hoạch đề án khuyến công cũng như việc quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động khuyến công.

 

Hồng Minh