Theo quy hoạch Vĩnh Phúc có 42 cụm công nghiệp (CCN) nhưng hiện mới có 14 CCN được thành lập với diện tích đất sử dụng là 282,34 ha. Trong 14 CCN được thành lập có 04 CCN đi vào hoạt động, thu hút được 89 dự án, giải quyết việc làm cho 4.626 lao động.


Hiện trạng

Theo Sở Công Thương Vĩnh Phúc, công tác quản lý CCN theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg còn khá nhiều khó khăn. Với 14 CCN được thành lập thì mới có 03 CCN có doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng; 03 huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường và Lập Thạch thành lập được Trung tâm phát triển CCN nhưng các trung tâm này vẫn chưa được hướng dẫn về cơ chế hoạt động.

Tất cả các cụm đều chưa đầu tư xây dựng hệ thống thu gom rác thải, xử lý nước thải tập trung. Quá trình thực hiện từ khâu lập quy hoạch chi tiết xây dựng đến đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cũng như hoạt động quản lý, khai thác vận hành các CCN còn thiếu thống nhất giữa các cấp, các ngành. Nhiều CCN thực hiện quy hoạch chi tiết xây dựng chưa đúng quy định như: CCN Đồng Sóc, Yên Đồng, Thổ Tang - Lũng Hòa (chưa có quyết định thành lập cụm và giao chủ đầu tư đã lập quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500, chưa xác định mục tiêu thành lập cụm để bố trí ngành nghề, lĩnh vực gì...).

Tiến độ triển khai các nội dung chuẩn bị đầu tư, bồi thường GPMB, xây dựng các hạng mục công trình đều chậm so với kế hoạch, chưa đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp. Vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các làng nghề chưa được giải quyết đầy đủ.Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn mặc dù tỉnh đã có chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 12/2010/NQ-HĐND, ngày 22/7/2010 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc và Quyết định số 28/2010/QĐ-UBND ngày 04/10/2010 về hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN.

Giải pháp

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đưa tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN trên địa bàn tỉnh đạt 65 -70%, Vĩnh Phúc đã ban hành một số quy định về quản lý Nhà nước, quy định về đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển CCN đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn. Tiếp tục đầu tư đồng bộ và hoàn thiện kết cấu hạ tầng các CCN hiện có; Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư, phát triển hạ tầng CCN, thu hút đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất, dịch vụ vào cụm; Tiếp tục thành lập Trung tâm phát triển CCN để quản lý hoạt động kinh doanh hạ tầng CCN…

Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả tại các CCN trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng vừa ban hành Quyết định số 29/2012/QĐ-UBND ngày 29/8/2012 về Quy chế phối hợp quản lý CCN trên địa bàn.Ngoài ra, Vĩnh Phúc cũng đề nghị tạm thời giao cho UBND huyện (xã) tiếp tục làm chủ đầu tư đối với các cụm phải chuyển đổi chủ đầu tư nhưng hiện chưa thu hút được doanh nghiệp. Sau khi Trung tâm phát triển CCN được thành lập hoặc có doanh nghiệp xin làm chủ đầu tư sẽ bàn giao theo quy định. Đồng thời, cho phép dùng ngân sách để xây dựng hoàn thiện hạ tầng 01 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 50 ha thu hút các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. Đặc biệt, các hộ sản xuất kinh doanh trong CCN phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định. Từng bước đầu tư hệ thống xử lý nước thải dùng chung đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.

 

Ngọc Loan