Sau hơn 10 năm hoạt động, tỷ lệ nội địa hóa của ngành ô tô cao nhất cũng chỉ đạt 10% (Honda Việt Nam), kế tiếp là Toyota Việt Nam (7%). Các công ty ô tô còn lại chỉ đạt 2-4%. Hai ngành xuất khẩu chủ lực là dệt may và da giày cũng không khá gì hơn, vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.


Thất bại của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam, không chỉ trong ngành ô tô như kể trên, có thể dẫn tới hậu quả là cùng với việc thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại và đầu tư theo các hiệp định mà Việt Nam tham gia, các nhà đầu tư nước ngoài thay vì tổ chức sản xuất tại Việt Nam sẽ chuyển qua nhập khẩu sản phẩm của chính họ để phân phối trên thị trường Việt Nam, và các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam lần hồi sẽ chỉ còn là những đại lý phân phối cho các công ty nước ngoài. Điều này dường như đã bắt đầu xảy ra. Làm thế nào để trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong 10 năm nữa như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 xác định, khi không có một nền công nghiệp, trong đó có công nghiệp phụ trợ, phát triển? Tuy thế, Chiến lược phát triển 2011-2020 cũng chỉ nhắc đến công nghiệp phụ trợ trong vỏn vẹn 7 từ: “Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ”.


Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội lần thứ XI của Đảng cũng chỉ nói: phải “từ chủ yếu là công nghiệp gia công, lắp ráp sang đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghiệp phụ trợ”. Thực ra, làm thế nào để phát triển công nghiệp phụ trợ vẫn là chuyện loay hoay từ 10 năm nay, dù Chính phủ đã phê duyệt một “Quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ đến năm 2010, tầm nhìn 2020”. Quy hoạch này tập trung vào 5 nhóm ngành chính là điện tử - tin học; dệt may; da giày; sản xuất và lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo… với những mục tiêu, chỉ tiêu đề ra không biết dựa vào đâu. Chẳng hạn, với ngành ô tô, giai đoạn 2010-2020 sẽ xuất khẩu một số sản phẩm công nghiệp phụ trợ ô tô, tỷ lệ nội địa hóa 60%. Với ngành cơ khí, đến năm 2010, công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí chế tạo phải đáp ứng được 50% nhu cầu nội địa về phôi đúc, rèn và chi tiết quy chuẩn; đến 2020 đạt khoảng 75% với chất lượng tương đương khu vực...


Kết quả thực hiện quy hoạch này đến nay ra sao và nguyên nhân thành công hay thất bại vì đâu, không ai biết một cách cụ thể và tường tận. Theo ông Đỗ Mạnh Hồng, hiện đang công tác tại Đại học Obirin (Tokyo, Nhật Bản) và là chuyên gia nghiên cứu lâu năm về lĩnh vực này, việc phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam suốt hơn một thập niên qua không thoát khỏi trạng thái bùng nhùng có thể do ba nguyên nhân. Một là bản thân chính sách hỗ trợ thiếu rõ ràng, do đó chỉ tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực này. Hai là tư tưởng hỗ trợ mang tính bảo hộ của các nhà làm chính sách, cùng thái độ trông chờ hỗ trợ của doanh nghiệp nhà nước. Thứ ba là tình trạng hoạt động riêng rẽ và thiếu chủ động yêu cầu hỗ trợ của khối doanh nghiệp tư nhân, vốn là nhân vật chính của cuộc chơi kinh tế thị trường và cũng là đối tượng chính cần hỗ trợ.
 



Nguồn: TB KTSG