Từ xa xưa, các làng nghề thủ công đã có mối quan hệ khăng khít với các vùng nguyên liệu. Mối quan hệ đó ngày càng gắn bó ổn định, giúp cho làng nghề có điều kiện thuận lợi phát triển và khai thác sâu lợi thế về tay nghề, về sản phẩm đặc trưng, riêng biệt, trở thành những làng nghề nổi tiếng, với những sản phẩm nổi tiếng gắn liền với tên của làng nghề, như mộc La Xuyên, sơn mài Hạ Thái, lụa Vạn Phúc, tre đan Bằng Sở, mây đan Phú Vinh, gốm Bát Tràng… Tỉnh Hà Tây cũ (Hà Nội ngày nay) có nhiều làng nghề nổi tiếng, nhưng không có sẵn nguyên liệu cho các nghề đó, mà phải mua từ các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Bình, Phú Thọ, …, thậm chí xa hơn như Quảng Nam, Cao Bằng… Chính mối quan hệ với các vùng nguyên liệu đã giúp cho Hà Tây phát triển rất mạnh các nghề thủ công, trở thành địa phương điển hình về các nghề thủ công của nước ta.
Những năm xuất khẩu hàng thủ công sang thị trường Đông Âu (1960 – 1988), các làng nghề gia công sản xuất với số lượng lớn hàng hóa, mối quan hệ liên kết giữa các làng nghề với các vùng nguyên liệu càng trở nên quan trọng. Với sự quản lý của Nhà nước, trong kế hoạch phát triển sản xuất hàng thủ công luôn kèm theo kế hoạch phát triển trồng và khai thác ở những vùng nguyên liệu, việc cung ứng đầy đủ nguyên liệu đã giúp cho cơ sở trong các làng nghề có điều kiện phát triển sản xuất gấp hàng trăm lần, cung cấp khối lượng ngày càng lớn hàng hóa, đáp ứng kịp thời cho nhu cầu xuất khẩu.
Chuyển sang cơ chế thị trường, các cơ sở sản xuất hàng thủ công vẫn thừa hưởng những mối quan hệ cũ và tiếp tục hoạt động sản xuất. Nhưng sự quản lý vĩ mô không còn được như trước nên sự liên kết không còn gắn bó như cũ. Mỗi nơi đều tính toán đến lợi ích riêng cho mình. Những vùng nguyên liệu cũng đuổi theo lợi nhuận nên thay đổi cây trồng, tìm kiếm khách hàng có lợi hơn, tranh nhau khai thác cạn kiệt để xuất khẩu nguyên liệu thô nhằm giành lấy nguồn lợi trước mắt, không tính đến lợi ích lâu dài, không tính đến sự phát triển bền vững toàn cục trong nước. Các làng nghề rơi vào tình cảnh thiếu nguyên liệu, chạy đôn chạy đáo, có gì dùng nấy; thậm chí để có giá thành hạ, các cơ sở còn tìm kiếm các loại nguyên liệu rẻ tiền để thay thế. Bên cạnh đó, có làng nghề việc sản xuất sản phẩm đã bớt xén công đoạn gia công, tay nghề thợ yếu kém, kỹ thuật nghề truyền thống mất dần, nhiều mặt hàng xưa kia được coi là rất bình thường đến nay cũng không làm lại được.
Trong nhiều năm, những người thợ thủ công đã từng mong ước có những cơ sở lớn chuyên chế biến nguyên liệu tiêu chuẩn như sơn ta đóng hộp, đất gốm đóng bao với nhiều tiêu chuẩn khác nhau, đồng đã được luyện kim cho từng loại sản phẩm đúc,… để họ tập trung vào việc gia công hàng tinh xảo. Đồng thời cũng mong ước có những phụ kiện chất lượng cao như bản lề, khóa, móc, dây quai…, tương xứng với chất lượng của sản phẩm làm ra. Hơn nữa, họ còn mong có những loại máy nhỏ cầm tay, các loại keo dán, chất phủ bề mặt phù hợp với các nghề… Tất cả những thứ đó, nhiều nhà kỹ thuật, nhiều cơ sở công nghiệp khẳng định nước ta hoàn toàn làm được, nhưng thực tế những người thợ thủ công vẫn phải mua của nước ngoài, với số lượng rất nhiều.
Rõ ràng, sự thiếu liên kết giữa các vùng, các cơ sở sản xuất chuyên sâu đã làm ảnh hưởng không nhỏ, khó khăn cho sự phát triển của các nghề thủ công. Trong tầm quản lý vĩ mô cho sự phát triển bền vững các nghề thủ công, không thể không quan tâm đến vấn đề này.
Trong các mối quan hệ liên kết vùng miền, liên kết giữa các làng nghề, vùng nghề với vùng nguyên liệu là quan trọng nhất. Trong điều kiện công nghiệp hóa và kinh tế thị trường hiện nay, không nên chỉ dừng lại ở việc cung cấp các nguyên liệu thô, mà nên xây dựng các cơ sở xử lý, sơ chế ngay tại vùng nguyên liệu để chuyển thành cung cấp nguyên liệu tiêu chuẩn hóa, thuận tiện cho người gia công sản xuất. Tiêu chuẩn hóa chất lượng nguyên liệu là yếu tố quan trọng đầu tiên đối với việc tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm. Đồng thời, việc cung cấp nguyên liệu đã được xử lý và chế biến sẽ chấm dứt cách chế biến thô sơ, tùy tiện theo lối áng chừng ở các cơ sở sản xuất hàng thủ công, sẽ giảm sự hao phí và góp phần đáng kể khắc phục ô nhiễm môi trường trong các làng nghề.
Quan hệ liên kết giữa các cơ sở sản xuất với nhau sẽ tạo nên quan hệ hợp tác sản xuất, trong đó có sự chuyên môn hóa sâu các mặt hàng theo đúng sở trường kỹ thuật của từng cơ sở. Đặc biệt, sự liên kết giữa các nghề khác nhau còn tạo ra khả năng phối hợp các chất liệu, các kỹ thuật gia công trên cùng một sản phẩm, khắc phục tình trạng nhàm chán, đơn điệu của sản phẩm, như mây tre đan kết hợp với gốm, gỗ; thổ cẩm kết hợp với thời trang; trai, ốc kết hợp với gỗ, kim loại… Sự kết hợp còn dễ dàng giải quyết kết cấu bền chắc cho sản phẩm và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mẫu mã sản phẩm mới.
Quan hệ liên kết vùng miền còn có thể phối hợp những nhu cầu chung, tạo ra thị trường đủ lớn, thuận lợi cho các cơ sở cung cấp thiết bị, phụ kiện và các dịch vụ kỹ thuật khác nhau. Như cung cấp các loại máy nhỏ cầm tay, các phụ kiện như bản lề, khóa, móc, dây quai, các loại bao bì bằng thủy tinh, gốm, gỗ, bìa… . Ngoài ra, sự liên kết còn tạo điều kiện phối hợp và phân công trong hoạt động đào tạo nghề, tiết kiệm chi phí đào tạo, tạo thuận lợi và thúc đẩy các nghề thủ công phát triển.
Để có thể thực hiện được sự liên kết này, không thể để mặc cho các cơ sở sản xuất tự tìm đến nhau như hiện nay, mà cần có sự tổ chức, hướng dẫn sự liên kết cho có hiệu quả. Trong đó có những vấn đề vĩ mô như quy hoạch vùng nguyên liệu, khai thác và chế biến nguyên liệu. Có những vấn đề cụ thể như sản xuất máy cầm tay và các thiết bị kỹ thuật dùng trong sản xuất, các loại phụ liệu, phụ kiện cần thiết, tổ chức các hoạt động phối hợp trong đào tạo, cải tiến kỹ thuật, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, …
Thực hiện được sự liên kết vùng, miền, liên kết giữa các cơ sở sản xuất với nhau không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất mà còn giúp các cơ sở nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm, giúp các nghề thủ công phát triển bền vững trong điều kiện công nghiệp hóa và kinh tế thị trường./.
PV.BTKC