Sau những tháng đầu năm hoạt động sản xuất công gnhiệp trên địa bàn thành phố chỉ mang tính cầm chừng và liên tục sụt giảm, đến nay hoạt động sản xuất công nghiệp của thành phố đã có dấu hiệu phục hồi với đà tăng trưởng tuy còn chậm nhưng đang trở nên ngày càng rõ rệt hơn.

Cho đến nay, sản xuất công nghiệp vẫn là lĩnh vực kinh tế chủ lực (chiếm 51,1%) trong tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn thành phố. Với gần 200 doanh nghiệp, 2.168 cơ sở sản xuất cá thể hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút gần 15.000 lao động. Do đó, các cấp lãnh đạo thành phố luôn chú trọng đến các chính sách khuyến khích hoạt động phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp).

Tuy nhiên, từ cuối năm 2008 đến giữa năm 2009 do suy giảm kinh tế toàn cầu đã tác động đến thị trường tiêu thụ hàng hóa khiến nhiều doanh nghiệp công nghiệp của thành phố có sản phẩm tồn kho lớn trong một thời gian dài, xuất khẩu giảm dẫn đến chỉ hoạt động cầm chừng. Vì thế, 9 tháng qua giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố chỉ đạt 3.935 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ và đạt 66,5% kế hoạch. Trong đó, công nghiệp nhà nước Trung ương đạt 384,5 tỷ đồng, giảm 15,2%; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.713 tỷ đồng, giảm 22,8%; duy chỉ có 2 khu vực có mức tăng trưởng dương là kinh tế nhà nước địa phương đạt 6.5 tỷ, tăng 0,4% và kinh tế ngoài nhà nước đạt 1.831 tỷ đồng, tăng 25,1%.

Để hoạt động của sản xuất công nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, thành phố đang thực hiện nhiều chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp)như: bảo tồn phát triển làng nghề; phát triển khu, cụm, điểm công nghiệp dịch vụ; tăng cường quản lý cụm công nghiệp; đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp… tập trung tháo gỡ vướng mắc giúp các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; tăng cường công tác quản lý, thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, giãn, hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất và việc làm cho người lao động. Nhờ vậy, đã hạn chế được ảnh hưởng của cuộc suy thoái đối với sản xuất công nghiệp của thành phố, đồng thời tạo thuận lợi phát triển mới được 163 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất cá thể với số lao động tăng thêm gần 1200 người.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng đến nay hoạt động sản xuất công nghiệp toàn thành phố đã được khôi phục rõ rệt hơn. Riêng tháng 9, sản xuất công nghiệp toàn thành phố ước đạt 573,7 tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 12,2% so với tháng cùng kỳ năm trước. Một trong những lý do chính giúp giữ được sự ổn định của nền sản xuất công nghiệp là nhờ thành phố đã tổ chức chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư sớm hoàn thành đi vào sản xuất, như: Công ty Đabaco, Công ty sứ Long Phương, Công ty giấy Việt Nhật… một số doanh nghiệp đã cho sản phẩm mới, bổ sung năng lực mới tăng thêm, góp phần chặn đà suy giảm, sản xuất có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, tháng sau cao hơn tháng trước. Hầu hết các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn đều có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng trở lại sau một thời gian bị suy giảm như: may mặc; chế biến thức ăn gia súc; nhựa các loại... Theo đánh giá của các ngành chức năng, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2009 trên toàn thành phố ước đạt 5.924 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2008 và đạt 100% so với kế hoạch đề ra.

Dù còn nhiều khó khăn, thử thách cùng với những biến động khó lường của thị trường nhưng sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực và bắt đầu có sự phục hồi đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp lớn trên địa bàn đã và đang triển khai các chiến lược liên doanh liên kết để khẳng định vị trí, thương hiệu sản phẩm với mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh trong thị trường hội nhập toàn cầu. Qua kết quả đạt được đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng như sự chỉ đạo kiên quyết sát sao của thành phố cùng các địa phương và các cấp các ngành trong thành phố đã tác động tích cực cho sự phát triển chung của ngành sản xuất công nghiệp.

Khổng Văn Thắng. Báo CT