Cũng như các địa phương khác, năm 2009 tình hình sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên thành phố Bắc Ninh gặp rất nhiều khó khăn do tác động của tình trạng giảm phát trong nước, cũng như suy thoái kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hoat động sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố không những vượt qua được giai đoạn khó khăn, mà còn đạt mức tăng trưởng so với năm 2008.

Đến hết năm 2009, tổng giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố đạt 5.738,9 tỷ đồng, tăng 3,7% so với năm 2008. Một số sản phẩm chủ yếu của thành phố tăng khá so với năm trước như: giấy các loại tăng 38,8%; hàng may mặc tăng 6%; chế biến thức ăn gia súc tăng 20,4%; đồ sứ tăng 16%; tấm lợp kim loại mầu tăng 76,3%...

Sở dĩ sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của thành phố có bước tăng trưởng là bởi bên cạnh một số doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, một số doanh nghiệp đã tranh thủ giá máy móc thiết bị rẻ đầu tư mới dây chuyền sản xuất và đi vào hoạt động đã góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp so với năm trước. Điển hình là Công ty cổ phần giấy Việt Nhật, Sứ Long Phương, Công ty Đabaco Việt Nam…

Đi đôi với việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, trong năm 2009, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng đã tham gia giải quyết công ăn, việc làm cho gần 2000 lao động trên địa bàn, nâng tổng số lao động trong toàn ngành công nghiệp của thành phố lên gần 30 nghìn lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Bắc Ninh trong năm qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế đó là: quy mô sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn nhỏ, lẻ, giá trị thấp; sản phẩm đơn điệu, năng suất, chất lượng thấp, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao; việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất còn gặp nhiều khó khăn; khả năng tiếp cận gói kích cầu của Chính phủ của một số doanh nghiệp còn thấp, việc nắm bắt thông tin cũng như khả năng mở rộng thị trường còn yếu… Đây là những tồn tại rất cần được các cấp, ngành, cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố quan tâm giải quyết trong thời gian tới.

Xác định phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp luôn là nhiệm vụ hàng đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, trong phương hướng của năm 2010, thành phố Bắc Ninh tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng lợi thế; có cơ chế, chính sách phù hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút mọi thành phần kinh tế đầu tư và phát triển, phấn đấu nâng tổng giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố lên trên 6.500 tỷ đồng.

Để thực hiện được các mục tiêu này, Bắc Ninh đang tập trung thực hiện một loạt các giải pháp như: đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp làng nghề, nhằm đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho sản xuất. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vay vốn từ các nguồn của Trung ương và của tỉnh. Vận động và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân xúc tiến thành lập mới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, nhất là nhân cấy nghề mới để phát triển ngành nghề trong khu vực nông thôn, xây dựng và phát triển các làng nghề. Tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp...
 

Nguồn: Báo Công Thương