Hội nhập kinh tế đã tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của các cơ sở trong các làng nghề, cụm công nghiệp (CCN). Để thích ứng, nhiều cơ sở, doanh nghiệp phải từng bước đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên do giá cả nguyên vật liệu không ổn định, thị trường tiêu thụ biến động, năng lực còn hạn chế, đặc biệt là sự cạnh tranh mạnh mẽ của nước ngoài khiến việc sản xuất của các cơ sở tại các làng nghề, CCN còn nhiều khó khăn.


Xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh có gần 100% số hộ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Trong đó, 1.460 hộ có máy 3 pha, 23 hộ có máy xẻ gỗ CD, 80 hộ có máy xẻ gỗ vi tính, 156 dàn đục vi tính, 730 hộ làm nghề đục chạm… Nguồn thu từ nghề gỗ và kinh doanh dịch vụ chiếm gần 80% tổng thu nhập toàn xã, thu nhập bình quân đầu người đạt 27,7 triệu đồng/năm.

 

Tuy nhiên, tình hình sản xuất từ đầu năm đến nay của các hộ sản xuất khá bấp bênh, sức mua chậm, thị trường tiêu thụ phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, do tốc độ phát triển nghề gỗ ngày một tăng đã nảy sinh những bất cập, hầu hết các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư nên thiếu vị trí tập kết nguyên liệu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường,…


Công ty Giấy và Bao bì Phú Giang (CCN Phú Lâm), trong bối cảnh khó khăn chung, để tồn tại và phát triển nhiều Công ty đã nỗ lực đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, giải quyết việc làm ổn định cho lao động địa phương. 9 tháng đầu năm 2015, Công ty đạt sản lượng khoảng 25 nghìn tấn, doanh thu tăng 5% so với cùng kỳ. Năm 2015, Công ty phấn đấu đạt sản lượng hơn 30.000 tấn giấy các loại, doanh thu đạt hơn 250 tỷ đồng.


Tuy nhiên, theo Ông Hoàng Trọng Phương, Giám đốc sản xuất của Công ty chia sẻ: Mặc dù kinh tế trong nước có dấu hiệu phục hồi song cũng đặt ra những thách thức mới, đó là sự cạnh tranh về chất lượng, giá thành sản phẩm, nếu như không tiếp tục đổi mới thì doanh nghiệp khó có thể phát triển và tồn tại trong môi trường cạnh tranh. Vì thế, cùng với việc đầu tư, nâng cấp hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, Công ty tập trung đổi mới công tác quản lý, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ.


Sự phát triển của các làng nghề thời gian qua không chỉ đóng góp tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, giải quyết việc làm ổn định cho người dân, mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương. Xu thế hội nhập đã mở ra cho các làng nghề nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Tuy nhiên để phát triển, các doanh nghiệp cần xác định rõ vị trí sản phẩm của mình để có những hoạch định chiến lược đầu tư phù hợp: Đổi mới công nghệ, phương pháp sản xuất, nâng cao trình độ người lao động...

 

Các ngành chức năng cần có những cơ chế, chính sách trong vấn đề mặt bằng sản xuất, xử lý và cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, tư vấn hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp trong liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu... Đồng thời tuyên truyền rộng rãi để các cơ sở làng nghề, có thông tin, hiểu rõ, nắm chắc các quy định về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), từ đó chủ động chuẩn bị các giải pháp khi gia nhập.


Thái Uyên