Theo Sở Công Thương Bình Định, nghề dệt thảm xơ dừa ở Tam Quan ra đời từ những năm 30 của thế kỷ XX, là giai đoạn sau của nghề “Tiếp xơ dừa” có từ lâu đời trong lịch sử lập làng ở đây. Đến nay, sản phẩm tiếp xơ dừa vẫn được gìn giữ, song phần lớn các gia đình làm nghề đã chuyển sang sản xuất thảm xơ dừa.


Xã Tam Quan Nam có diện tích trồng dừa khá lớn, đây còn là nơi đã được Ngân hàng ADB chọn để triển khai dự án khôi phục phát triển làng nghề truyền thống ở Bình Định. Mục đích của dự án là đưa máy móc công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao mức thu nhập cho người dân địa phương làm nghề dệt thảm xơ dừa.


Nghề dệt thảm xơ dừa ở Tam Quan từng có thời kỳ hưng thịnh, hàng làm ra được xuất khẩu ra nước ngoài. Những năm gần đây, sản phẩm mỹ nghệ từ xơ dừa ở Tam Quan được thị trường trong nước tiêu thụ khá mạnh. Làng nghề dệt thảm xơ dừa và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ xơ dừa ở huyện Hoài Nhơn là một trong ba làng nghề thuộc nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ được UBND tỉnh Bình Định quy hoạch phát triển đến năm 2020. Thị trường tiêu thụ mạnh nhất là Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và các nước Đông Âu. Để có được những sản phẩm đa dạng, độc đáo và tinh xảo, các nghệ nhân ở làng nghề thảm xơ dừa Tam Quan Nam đã đến TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Hà Nội... để học thêm nghề, đem về truyền lại cho người lao động địa phương.


Không chỉ xuất khẩu, thời gian gần đây, thảm xơ dừa Tam Quan Nam được thị trường trong nước tiêu thụ khá mạnh. Nhiều khách sạn, nhà hàng lớn ở các địa điểm du lịch như: Nha Trang, Vũng Tàu, Bình Thuận… đã đến đặt thảm xơ dừa Tam Quan Nam để lót sàn. Các cơ sở sản xuất thảm xơ dừa ở Tam Quan Nam đã tính đến chuyện tăng cường quảng bá, tiếp thị để đưa sản phẩm của mình đến các địa phương trong toàn quốc.


Các sản phẩm thảm xơ dừa không chỉ đem lại giá trị sử dụng mà còn có giá trị văn hóa, là một trong những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống đặc trưng của người Bình Định. Vì vậy, năm 2015, làng nghề dệt thảm xơ dừa ở Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã được chọn là Dự án văn hóa phi vật thể cần bảo tồn. Địa điểm thực hiện Dự án là ở các xã: Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn); xã Mỹ Lợi (Phù Mỹ) và một số địa phương khác có nghề dệt thảm xơ dừa truyền thống ở Bình Định.


Dự kiến, trong năm 2015, Dự án sẽ triển khai ghi hình, ghi âm và khảo sát điền dã, sưu tầm, ghi chép tư liệu chuyên sâu. Các sản phẩm của Dự án sẽ được gửi cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để nạp vào Ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể và lưu trữ tại Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch để phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị của nghề truyền thống dệt thảm xơ dừa.


Trần Chính