Sản xuất công nghiệp những năm qua của tỉnh Bình Thuận có mức tăng trưởng khá, giá trị sản xuất tăng bình quân 9,55%/năm; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân giai đoạn 2014 – 2016 tăng 9,65%/năm. Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đã từng bước ổn định sản xuất, cải tiến công nghệ, chú trọng đến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng với nhu cầu của thị trường.

Đã có thêm nhiều sản phẩm của các cơ sở sản xuất, như: Đồ gỗ các loại, mủ trôm, sản phẩm chế biến từ trái thanh long và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ... Một số sản phẩm đã được bình chọn và công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực và quốc gia.

Đóng góp vào các kết quả trên, có những hoạt động đáng kể của khuyến công tỉnh Bình Thuận trong những năm qua.

Giai đoạn 2014 – 2016, số lượng các chương trình đề án khuyến công tỉnh Bình Thuận hàng năm đã tăng lên; các nội dung, lĩnh vực hỗ trợ đều cụ thể, sát với nhu cầu thực tế của cơ sở CNNT, được đánh giá cao. Cụ thể, với tổng kinh phí 6.237,85 triệu đồng, Khuyến công Bình Thuận đã hỗ trợ thực hiện 29 đề án, trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề may công nghiệp cho 90 học viên, cán bộ kỹ thuật quản lý chuyền may (120 học viên); hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm, trưng bày sản phẩm trên cả nước; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị cho 06 cơ sở sản xuất CNNT; hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp triển khai đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn huyện miền núi; hỗ trợ một phần kinh phí để doanh nghiệp xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung; hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất nhỏ thiếu kinh phí quảng bá sản phẩm.


Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực trong triển khai thực hiện các chương trình, đề án, Khuyến công Bình Thuận cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện hoạt động khuyến công, như: Ngân sách hàng năm của tỉnh Bình Thuận dành cho hoạt động khuyến công còn hạn chế (trung bình 01 tỷ đồng/năm), trong đó phải thực hiện tiết kiệm chi phí từ 10 – 20% nên không hỗ trợ được nhiều chương trình, đề án cho các cơ sở CNNT.


Định mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công ở một số nội dung còn chưa thực tế, chưa đáp ứng được nhu cầu của các cơ sở CNNT, như: Chi hỗ trợ chi phí thuê tư vấn, thiết kế bao bì, mẫu mã nhưng không hỗ trợ kinh phí in ấn; hỗ trợ kinh phí thuê gian hàng tham gia hội chợ, triển lãm, không hỗ trợ các chi phí thuê xe vận chuyển sản phẩm và đi lại. Do đó, đối với các cơ sở CNNT nhỏ hạn chế về tài chính rất khó khăn trong vận động đơn vị tham gia giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm cũng như đổi mới nâng cao chất lượng sản phẩm.


Bên cạnh đó, chưa có mạng lưới cộng tác viên khuyến công tại các địa phương; công tác phối hợp giữa Trung tâm khuyến công và các Phòng kinh tế/kinh tế và hạ tầng các huyện chưa được quan tâm dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, tư vấn và xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm. Ngoài ra, việc hướng dẫn các thủ tục hồ sơ thực hiện các hoạt động khuyến công của các đơn vị liên quan còn lúng túng, chưa thống nhất dẫn đến việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn.


Với mục tiêu đưa hoạt động khuyến công ngày một hiệu quả, việc hỗ trợ phải sát với nhu cầu thực tế của cơ sở CNNT, Khuyến công Bình Thuận đã đề nghị cần sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT. Đồng thời, với các nhiệm vụ giao năm 2017, sớm ký kết các hợp đồng giao thực hiện đề án khuyến công để Trung tâm khuyến công triển khai đạt kết quả cao.


An Vũ (CTV)