Hệ thống sông ngòi với dòng chảy có độ dốc lớn rất thuận lợi để Lai Châu phát triển thuỷ điện Sau khi tách tỉnh (năm 2004), ngành công nghiệp Lai Châu gặp khó khăn chồng chất: thiếu cán bộ quản lý và đội ngũ công nhân lành nghề, thiết bị công nghệ, kỹ thuật lạc hậu…


Nhưng chỉ sau 5 năm, ngành công nghiệp Lai Châu đã có bước chuyển mình đáng khích lệ: Tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 18,35%, một số lĩnh vực như khai thác khoáng sản, thuỷ điện, khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng đã trở thành nghành công nghiệp mũi nhọn. Tuy nhiên, để bứt phá, Lai Châu vẫn thiếu những động lực.

Tiềm năng phong phú

Nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Lai Châu khá phong phú với trên 20 loại khoáng sản: sắt, đồng, vàng, đất hiếm, chì, đá lợp… nằm rải rác trên 120 điểm mỏ. Đây là tiềm năng lớn cho ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản phát triển, đồng thời cung cấp nguyên liệu cho ngành luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, sự đa dạng và phong phú về tài nguyên động, thực vật là điều kiện để phát triển ngành công nghiệp chế biến lâm sản.

Đặc biệt, Lai Châu được thiên nhiên ban tặng cho hệ thống sông ngòi chằng chịt với độ dốc lớn, rất phù hợp cho việc phát triển ngành công nghiệp thuỷ điện. Nhận thức được tiềm năng to lớn này, thuỷ điện Lai Châu đã được xây dựng với công suất 1.200MW, lớn thứ ba trên cả nước chỉ sau thuỷ điện Sơn La và thuỷ điện Hoà Bình. Lai Châu còn có các công trình thuỷ điện khác như: Huổi Quảng công suất 560 MW, Bản Chát công suất 220 MW, Nậm Nam 1,2,3 với công suất 180 MW. Ngoài ra, địa bàn tỉnh Lai Châu còn 70 điểm có thể xây dựng các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ…

… Nhưng chưa có những động lực

Sau 5 năm tái lập, Lai Châu đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư khai thác tiềm năng công nghiệp của địa phương. Thực tế đã có rất nhiều dự án đầu tư vào các lĩnh vực như trồng cây công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, các công trình thuỷ điện… Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, cùng với chính sách ưu đãi, Lai Châu đang từng bước tạo được ấn tượng tốt đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Thế Nghĩa - Giám đốc Sở Công thương Lai Châu - cho biêt: Là tỉnh miền núi biên giới, địa bàn xa xôi, giao thông đi lai khó khăn, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Nhưng không phải vì thế mà số dự án đầu tư vào Lai Châu không có. Kể từ khi tỉnh được tái lập đến nay số dự án công nghiệp đầu tư vào Lai Châu tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng với số vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: khai khoáng, thuỷ điện, sản xuất vật liệu xây dựng…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, ngành công nghiệp Lai Châu vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Một số dự án đã đi vào sản xuất, nhưng chưa mang lại hiệu quả cao, trang thiết bị còn lạc hậu, thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Không ít dự án các nhà đầu tư triển khai chậm hoặc chưa triển khai… nên chưa tạo được động lực để ngành công nghiệp Lai Châu có những bứt phá. Trong đề án phát triển công nghiệp những năm tới, Lai Châu tiếp tục hoàn thiện các chính sách thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, thuỷ điện.
 

Nguồn: Báo Công Thương