Các khu, cụm công nghiệp (CCN) không chỉ có đóng góp lớn về xuất khẩu, sản lượng công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho lao động, mà còn đóng góp cho ngân sách hàng chục ngàn tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, dù tiềm năng lớn nhưng tỷ lệ lấp đầy các khu, CCN còn thấp.



Theo Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch đầu tư) Trần Duy Đông, sau thời gian phát triển nóng, hiện nay tỷ lệ lấp đầy các khu, CCN chỉ vào khoảng 60%. Những vùng có hạ tầng tốt như Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng thì thu hút đầu tư rất tốt, nhưng những vùng như Tây Nguyên, Tây Bắc việc thu hút các dự án đầu tư gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do sự thay đổi về ưu đãi thuế. Chẳng hạn, trước năm 2009, các khu, CCN ở các địa bàn được coi là khó khăn đều được hưởng các ưu đãi tương đương các địa bàn khó khăn; thuế suất sẽ giảm hơn thuế suất trung bình cho doanh nghiệp (DN). Nhưng sau năm 2009, khi Luật Thuế thu nhập DN ban hành thì không còn ưu đãi này nữa. Điều này làm giảm tính hấp dẫn thu hút đầu tư vào khu, CCN.

 

Ngoài ra các DN cũng e ngại về chi phí tiền thuê đất, đầu tư xây dựng hạ tầng và chi phí các dịch vụ liên quan. Hơn nữa, từ năm 2009 đến nay, kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng đều gặp khó khăn, nên đã ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như mở rộng hoạt động của các DN. Ngoài ra, các chi phí về đền bù giá đất giải phóng mặt bằng, thuê đất đều cao hơn, đặc biệt tại các địa bàn có vị trí thuận lợi; sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực cũng có nhiều chính sách ưu đãi, xúc tiến đầu tư, trong khi tốc độ tăng lương lại chậm hơn Việt Nam… cũng làm ảnh hưởng đến ưu thế thu hút đầu tư vào Việt Nam nói chung và khu, CCN nói riêng.

 

Trước tình hình đó, Chính phủ và các bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để lấp đầy các khu, CCN. Trong đó, nếu địa phương nào muốn thành lập KCN mới thì phải có tỷ lệ lấp đầy bình quân tối thiểu 60% các KCN đã được thành lập. Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg năm 2012 chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu kinh tế, KCN, CCN. Yêu cầu rà soát tổng thể các quy hoạch trong thời gian qua với mục tiêu hạn chế tối đa việc thành lập mới các khu, CCN để tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho các công ty phát triển hạ tầng cũng như DN trong khu, CCN.

 

Các dự án đầu tư sẽ tập trung vào khu hiện hữu trước với mục tiêu lấp đầy các khu, CCN. Đáng chú ý là Luật Thuế thu nhập DN vừa được Quốc hội thông qua ngày 01/7/2013 và có hiệu lực từ 01/01/2014 đã tiếp tục quy định ưu đãi cho DN đầu tư vào KCN như trước năm 2009. Cụ thể, các DN đầu tư mới vào KCN thì ngoài ưu đãi như đối với các DN thông thường sẽ được miễn thêm 2 năm và giảm 50% cho 4 năm tiếp theo. Nhờ chính sách đúng đắn, trong năm 2013, thu hút đầu tư vào các khu, CCN có nhiều khởi sắc. Theo các chuyên gia, để giải quyết thực trạng vắng nhà đầu tư, các đơn vị kinh doanh hạ tầng các khu, CCN không chỉ chú tâm vào quy hoạch mà cần phải nghiên cứu thị trường, xu hướng đầu tư, đồng thời liên kết xúc tiến, mời gọi nhà đầu tư...

 

Ngọc Loan