Phát triển cụm công nghiệp (CCN) nhằm di dời, sắp xếp, thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của các cá nhân, hộ gia đình ở địa phương đầu tư vào trong CCN để giải quyết ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các làng nghề tiểu thủ công nghiệp; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân ở nông thôn; góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước “ly nông bất ly hương” và xây dựng nông thôn mới.


Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển CCN thời gian qua tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn do mấy nguyên nhân cơ bản sau: (1) CCN chủ yếu nằm ở địa bàn nông thôn, hạ tầng kinh tế xã hội xung quanh yếu kém; (2) CCN khó thu hút các doanh nghiệp lớn làm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng vì doanh nghiệp đầu tư trong CCN chủ yếu là các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa có năng lực tài chính yếu, khả năng chi trả tiền thuê đất thấp; (3) việc huy động vốn đầu tư hạ tầng CCN gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn chủ yếu là từ ngân sách địa phương với mức đầu tư nhỏ giọt. Vì vậy, phần lớn các CCN hiện nay được đầu tư hạ tầng dở dang, đặc biệt là công trình xử lý nước thải.


Khắc phục một phần tình trạng này, trong Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định, thực hiện cơ chế ngân sách Trung ương (NSTW) hỗ trợ 6 tỷ đồng/cụm và không quá 70 tỷ đồng/tỉnh đối với các tỉnh thuộc vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và Tây nguyên và hỗ trợ 5 tỷ đồng/cụm và không quá 50 tỷ đồng/tỉnh đối với các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn còn lại. Thực hiện Quyết định 60/2010/QĐ-TTg, trong giai đoạn 2011-2015 NSTW đã đầu tư 408 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 81 CCN tại 32/45 địa phương  thuộc đối tượng của chương trình; bình quân 5 tỷ đồng/cụm  và 12,75 tỷ đồng/tỉnh.


Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc, cũng là sự cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Chính phủ đối với sự nghiệp phát triển CCN nói riêng và phát triển công nghiệp nông thôn nói chung; đáp ứng một phần mong mỏi lâu nay của các địa phương cũng như của Bộ Công Thương. Mặc dù kinh phí hỗ trợ chưa nhiều nhưng bước đầu đã góp phần tích cực cùng ngân sách địa phương  giúp các chủ đầu tư hạ tầng tháo gỡ khó khăn về vốn để đầu tư một số hạng mục hạ tầng thiết yếu, nhanh chóng thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, thời gian tới cần tiếp tục khắc phục một số tồn tại của Chương trình như: i) Mức hỗ trợ  6 tỷ đồng/cụm là thấp, chỉ chiếm khoảng 2%  so với tổng mức đầu tư 01 CCN; (ii) Tổng vốn NSTW hỗ trợ CCN rất thấp (chiếm 15,2% so với tổng nguồn vốn quy định hỗ trợ 45 địa phương là 2.670 tỷ đồng); (iii) Trong 32 địa phương đã được thụ hưởng, chưa có địa phương nào được NSTW bố trí đủ định mức; vẫn còn 13 địa phương chưa được thụ hưởng.


Mục tiêu chủ yếu của Chương trình hỗ trợ hạ tầng  CCN 2016 - 2020


Tiếp tục khẳng định chủ trương của Đảng và Chính phủ về phát triển CCN, phát huy kết quả tích cực của Chương trình thời gian qua; đồng thời qua làm việc, tổng hợp ý kiến của các địa phương đều kiến nghị Trung ương cần có giải pháp hỗ trợ nhiều hơn, mạnh hơn cho phát triển CCN, Bộ Công Thương đã có đánh giá, đề xuất Chương trình hỗ trợ hạ tầng CCN giai đoạn 2016-2020 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ (Văn bản số 1882/BCT-CNĐP ngày 25/02/2015 và Văn bản số 11163/BCT-CNĐP ngày 10/11/2014).


Mục tiêu của Chương trình là cùng ngân sách địa phương, huy động vốn các doanh nghiệp để đầu tư xây dựng, hoàn thiện các hạng mục công trình thiết yếu như công trình xử lý nước thải, chất thải; đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước của 82 CCN điểm của 41 địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; đến năm 2020, các CCN được hỗ trợ cơ bản hoàn thành đồng bộ hạ tầng, thu hút đạt tỷ lệ lấp đầy trên 85%. Nội dung hỗ trợ 75 tỷ đồng/cụm, số CCN hỗ trợ 2 CCN/tỉnh và tổng mức hỗ trợ không quá 150 tỷ đồng/tỉnh đối với các tỉnh thuộc vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và Tây nguyên; 50 tỷ đồng/cụm, số CCN hỗ trợ 2 CCN/tỉnh và tổng mức hỗ trợ không quá 100 tỷ đồng/tỉnh đối với các địa phương còn lại.


Trong thời gian qua, với trách nhiệm quản lý CCN, trên cơ sở đề nghị  của các địa phương, Bộ Công Thương đã nhiều lần báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển CCN đủ mạnh, ít nhất cũng bằng như KCN để thúc đẩy, phát huy mạnh mẽ hiệu quả hoạt động của các CCN. Tuy vậy, trên thực tế Thủ tướng Chính phủ  mới chỉ quyết định, thực hiện cơ chế hỗ trợ hạ tầng CCN tại các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Vì vậy trong khi tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển CCN, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 3951/BCT-CNĐP ngày  22  tháng 4  năm 2015 báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ hạ tầng CCN trong giai đoạn 2016-2020./.


 

Nguyễn Văn Thịnh (TP. Quản lý cụm CN, Cục CNĐP)