Vừa qua, tại Hà Nội, Liên Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số nội về Cụm công nghiệp (CCN). Các đại biểu tại Hội thảo đều đồng tình với dự thảo thông tư liên tịch.


CCN có diện tích hơn 75ha và có nhu cầu chuyển đổi sẽ thành lập KCN

Một vài ý kiến chưa rõ về một số điều, mục trong thông tư cũng đã được Cục phó Cục CNĐP Ngô Quang Trung và Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế Trần Duy Đông ghi nhận và giải đáp cặn kẽ ngay tại hội thảo. Theo dự thảo, Thông tư liên tịch hướng dẫn việc áp dụng định mức lập, thẩm định Đề án quy hoạch phát triển cụm công nghiệp; xử lý cụm công nghiệp hình thành trước Quy chế quản lý cụm công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp quy định tại Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015.


CCN không đủ điều kiện chuyển đổi thành KCN thì thành lập CCN


Theo dự thảo thông tư, mức vốn lập, thẩm định quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn cấp tỉnh không quá 30% mức vốn tối đa của dự án quy hoạch tổng thể phát triển KTXH của tỉnh; mức vốn lập, thẩm định quy hoạch phát triển CCN cả nước không quá 35% mức vốn tối đa của dự án quy hoạch tổng thể phát triển KTXH cả nước. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan rà soát và lập danh mục các cụm công nghiệp trên địa bàn hình thành trước khi Quy chế có hiệu lực, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, xử lý. Cụ thể: Đối với CCN có diện tích dưới 75 ha thực hiện thủ tục thành lập CCN; đối với CCN lớn hơn 75 ha phải xem xét chuyển đổi thành khu công nghiệp (KCN) để thống nhất quản lý. Trường hợp CCN không đủ điều kiện chuyển đổi thành KCN theo quy định thì xem xét thành lập CCN. Quá trình thành lập CCN do Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc đơn vị sự nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng theo các phương án: Chuyển đổi sang doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng; Trung tâm phát triển CCN thực hiện nhiệm vụ kinh doanh hạ tầng hoặc tạm thời giữ nguyên chủ đầu tư xây dựng hạ tầng. Việc xử lý các CCN phải hoàn thành trong 2 năm tính từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành.


Hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN tại các vùng khó khăn


Cũng theo dự thảo thông tư này, mức hỗ trợ đầu tư từ ngân sách trung ương để xây dựng hạ tầng các CCN tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thực hiện theo quy định tại Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chính sách phát triển hạ tầng CCN sẽ do UBND tỉnh quy định thùy thuộc vào tình hình thực tế. Như vậy, căn cứ vào kết quả thực hiện kế hoạch hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp năm trước và nhu cầu trong năm kế hoạch, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lập hồ sơ đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm tra sự phù hợp về nguyên tắc, đối tượng và mức đề nghị hỗ trợ đầu tư đối với từng CCN; đồng thời tổng hợp, xây dựng phương án hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định.