Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2006-2010 là 19,85%, giai đoạn 2011-2015 là 18,09%
Quy hoạch đưa ra mục tiêu phát triển công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Tốc độ tăng trưởng GDP công nghiệp và xây dựng giai đoạn 2006-2010 đạt 14,19%, giai đoạn 2011-2015 đạt 13,81%; tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong cơ cấu GDP năm 2010 chiếm 47,65%, năm 2015 chiếm 52,87%.
Theo đó, định hướng phát triển công nghiệp Bắc Bộ là phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung gắn với nguồn nguyên liệu để giảm chi phí sản xuất và đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực có hàm lượng chất xám cao như công nghệ phần mềm, phần cứng, kỹ thuật điện, cơ điện tử, sản xuất thiết bị máy móc siêu trường, siêu trọng... Khuyến khích phát triển công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Trung tâm điện tử-tin học hàng đầu của đất nước
Theo Quyết định trên, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp điện tử-tin học giai đoạn 2006-2010 khoảng 25%; phát huy vai trò đầu tàu của Hà Nội, Hải Phòng trong lĩnh vực phát triển công nghệ phần mềm.
Khai thác tốt nguồn lực trí tuệ, tạo sự dịch chuyển mới về chất trong cơ cấu sản phẩm cơ khí theo hướng tăng dần tỷ trọng các sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao; phát triển các cụm công nghiệp cơ khí nhỏ, cơ khí sửa chữa ở một số địa bàn nông thôn, tạo nền tảng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Kêu gọi đầu tư một số dự án sản xuất loại thép cán nóng, thép tấm công suất 250.000 tấn/năm; nhà máy thép cường độ cao phục vụ công nghiệp đóng tàu tại khu công nghiệp tàu thủy Cái Lân (Quảng Ninh); Nhà máy thép đặc chủng tại Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương; Nhà máy thép và phôi thép tại Hải Dương.
Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm với công nghệ tiên tiến, bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, gắn công nghiệp chế biến với phát triển vùng nguyên liệu, với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
Trong giai đoạn đến năm 2020, cần tập trung thu hút đầu tư để lấp đầy các khu công nghiệp hiện có, đồng thời từng bước mở rộng và triển khai xây dựng mới một số khu, cụm công nghiệp hình thành các hành lang công nghiệp như hành lang công nghiệp theo đường 5 (Hà Nội-Hải Dương-Hưng Yên); hành lang công nghiệp đường 2-đường 19 ( Vĩnh Phúc-Hà Nội-Bắc Ninh); hành lang công nghiệp quốc lộ 1 (Bắc Ninh-Hà Nội-Hà Tây); hành lang công nghiệp quốc lộ 18 (Bắc Ninh-Hải Dương-Quảng Ninh).
Giai đoạn 2006-2015, vốn đầu tư phát triển công nghiệp hơn 415 nghìn tỷ đồng
Nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp giai đoạn 2006-2015 khoảng 415.968 tỷ đồng; dự kiến tỷ lệ huy động từ các nguồn vốn trong nước khoảng 63-67%, vốn ngoài nước khoảng 33-37%.
Quy hoạch cũng đề ra các giải pháp chủ yếu về tổ chức quản lý, vốn, đất đai, công nghệ, nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường; đồng thời đưa ra các chính sách về thị trường, xúc tiến đầu tư, huy động vốn, tài chính, thuế, khoa học công nghệ, phát triển vùng nguyên liệu, đào tạo và sử dụng lao động.
(Nguồn: DN24g)