Trong những năm qua, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp (CCN), tiểu thủ công và làng nghề của Hà Nội đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế công nghiệp của thành phố.

Báo Công Thương đã có cuộc phỏng vấn ông Lưu Tiến Long, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết tình hình phát triển các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề TP. Hà Nội trong thời gian qua?

Theo qui hoạch, đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 49 CCN trên tổng diện tích 3.707 ha; 177 điểm công nghiệp với tổng diện tích 1.330 ha. Đến nay Hà Nội đã có 43/49 CCN, 63/177 điểm công nghiệp đã và đang xây dựng, trong đó 19 CCN đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động; 7 CCN đang triển khai xây dựng từng phần các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và thu hút các nhà đầu tư thứ phát; 17 CCN mới đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư; 6 CCN đang trong quá trình kêu gọi đầu tư; 22 điểm đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đã giao đất cho các hộ sản xuất làng nghề xây dựng nhà xưởng; 41 điểm đang hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng hoặc bắt đầu triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Nhìn chung thời gian qua, các khu, CCN trên địa bàn TP. Hà Nội phát triển khá nhanh. Giai đoạn 2005-2009, đã thành lập và triển khai xây dựng 36 CCN (bằng 73%), 55 điểm công nghiệp làng nghề (bằng 87%); tổng diện tích đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt 2.150ha, đã giao đất và cấp phép đầu tư cho hơn 1.200 dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, hơn 1.500 hộ sản xuất tại các làng nghề vào đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng vào quá trình thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn thành phố.

Việc phát triển các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề TP. Hà Nội có gặp khó khăn gì, thưa ông?
Những năm qua, TP. Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách trong đó xác định xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, CCN, điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp làng nghề và coi đó là giải pháp quan trọng cho việc phát triển công nghiệp của thành phố. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn thiếu cơ chế chính sách đẩy mạnh sự phát triển khu, CCN và tiểu thủ công nghiệp. Hơn nữa, đến tận tháng 10/2009, Chính phủ mới có qui định thống nhất về quản lý CCN nhưng trước đó, TP. Hà Nội đã ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng, quản lý hoạt động các CCN phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Do vậy, còn nhiều bất cập trong công tác quản lý nhà nước, vận dụng các qui chuẩn, tiểu chuẩn về đầu tư xây dựng,...
Đặc biệt, sau khi thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, các yếu tố, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố có sự thay đổi lớn. Hầu hết các khu, CCN trên địa bàn thành phố đều phải tạm dừng thực hiện để tập trung vào việc rà soát qui hoạch; thực hiện xây dựng hạ tầng tại các CCN đang triển khai. Bên cạnh đó, tiến độ triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN chậm do khó khăn về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính phức tạp. Nhiều CCN qui hoạch, xây dựng không đồng bộ và đầy đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật theo qui định, đặc biệt là các hạng mục xử lý môi trường. Các vấn đề xã hội phát sinh chưa được giải quyết triệt để như: giải quyết việc làm cho nông dân bị thu hồi đất, vấn đề môi trường, xã hội,...

Công tác quản lý hoạt động các CCN còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là đối với các CCN do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư. Tình trạng các dự án đầu tư không triển khai hoặc thực hiện không đúng nội dung dự án đầu tư được cấp phép, sử dụng đất không đúng mục đích vẫn còn xảy ra; thực hiện các qui định về quản lý môi trường còn hạn chế.

Theo ông, mục tiêu phát triển cụm công nghiệp trong thời gian tới hướng đến những vấn đề gì?

Với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế thủ đô theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì công nghiệp thành phố sẽ hướng vào những ngành có lợi thế so sánh như công nghệ cao, công nghệ sinh học, vật liệu mới, các ngành công nghiệp chủ đạo của nền kinh tế đất nước; đặc biệt coi trọng các yêu cầu bảo vệ môi trường, môi sinh. Giai đoạn 2010 - 2015, diện tích đất công nghiệp tăng thêm khoảng 2.500ha, đến năm 2015 diện tích đất qui hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp đạt 11.500ha. Trong đó nâng cấp, xây dựng mới từ 5-10 khu công nghiệp, 25-30 CCN (bao gồm cả các CCN nhỏ làng nghề) để tạo dựng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất công nghiệp của thành phố.

Để thực hiện được mục tiêu này, thành phố cần nhanh chóng rà soát, lập qui hoạch phát triển các khu, CCN trên địa bàn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Định hướng qui hoạch, xây dựng các khu, CCN tại các huyện ngoại thành, các khu vực hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp thấp (vùng đồi gò, vùng trũng,..). Hạn chế tối đa việc chuyển đổi đất lúa sang qui hoạch phát triển khu, CCN. Tập trung phát triển các khu, CCN công nghệ cao; các khu, CCN sinh học để phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế cũng như nhu cầu phát triển hài hòa, bền vững của thành phố trong tương lai.

Xin cảm ơn ông!
 

Thực hiện: Thúy Hà - báo CT