Đó là chủ đề của Hội nghị tổng kết 5 năm (2003-2008) về phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề do UBND tỉnh Hải Dương tổ chức, sáng 12/11.

Hội nghị nêu rõ hiện nay, quy mô của đa số các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và làng nghề trên địa bàn tỉnh còn nhỏ bé, phân tán, khó triển khai hàng loạt để đáp ứng các đơn hàng lớn. Hơn nữa, vốn đầu tư thấp; cơ cấu chủng loại còn nghèo nàn; mẫu mã, kiểu dáng đơn điệu; một số làng nghề truyền thống đã bị mai một... Nguyên nhân là do nhận thức về phát triển TTCN, làng nghề chưa đầy đủ; nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng các làng nghề còn hạn hẹp; đội ngũ doanh nhân, nghệ nhân, thợ lành nghề trong các cơ sở sản xuất TTCN còn quá mỏng, lại thiếu chính sách thu hút, ưu đãi nhân tài... Do đó, cần từng bước hình thành làng nghề mới, phố nghề mới; xoá làng trắng, xã trắng nghề. Xây dựng mô hình làng nghề điển hình tiên tiến, phát triển làng nghề Văn hoá - An toàn - Sức khoẻ, gắn sản phẩm làng nghề với các Lễ hội văn hoá, các tour du lịch để tăng cường xuất khẩu tại chỗ. Gắn quy hoạch làng nghề với quy hoạch các cụm, điểm công nghiệp; quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường....

Tỉnh phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị SXCN và làng nghề đạt 25%/năm trở lên. Quy hoạch xây dựng 300 điểm sản xuất TTCN, làng nghề, từng bước tập trung các cơ sở sản xuất trong làng nghề, tạo điều kiện bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; 100% số xã và hầu hết các làng, khu dân cư trong tỉnh có nghề sản xuất TTCN, trong đó 70 làng trở lên được công nhận danh hiệu làng nghề theo tiêu chuẩn của tỉnh. Trong 2 năm 2009-2010, tỉnh phấn đấu bình quân mỗi năm thu hút 10-12 nghìn lao động vào sản xuất TTCN và làng nghề. Phấn đấu đến năm 2010 có 15,31 vạn lao động tham gia sản xuất TTCN và làng nghề, chiếm hơn 15% tổng số lao động toàn tỉnh./.
 
Trần Tiến Duẩn