Thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ-CP về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với các ngành và các địa phương triển khai Nghị định 134 và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, UBND Tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách về khuyến khích phát triển công nghiệp của Tỉnh, phù hợp với Nghị định 134, như: Quy định về quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công; Quy định chính sách khuyến khích phát triển nghề và làng nghề; Quy định về tiêu chuẩn làng nghề CN-TTCN; Quy định quản lý khu, cụm, điểm công nghiệp. Các chính sách này đã góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương, làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp.

1. Kết quả xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật tại Thái Bình

Từ năm 2006 đến hết năm 2008, Trung tâm Khuyến công - TVPTCN Thái Bình đã được giao thực hiện 10 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật (TDKT). Năm 2009, Bộ Công Thương giao cho Trung tâm Khuyến công Thái Bình tổ chức thực hiện 7 mô hình TDKT.

Việc triển khai xây dựng các mô hình TDKT tại Thái Bình sau một thời gian đã thực sự mang lại hiệu quả nhất định. Đó là nhân rộng mô hình sản xuất, tăng giá trị sản xuất của doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giới thiệu địa điểm thu mua nông sản, làm tăng giá trị mặt hàng nông nghiệp của nông dân, quảng bá sản phẩm cho các doanh nghiệp được tham gia xây dựng mô hình, góp phần ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội tại các vùng nông thôn.

Năm 2006, Trung tâm đã xây dựng mô hình TDKT chiết suất rutin từ hoa hòe của Công ty TNHH Quế Hòe. Mô hình này đã góp phần nâng cao giá trị mặt hàng hoa hòe xuất khẩu của Việt Nam (từ xuất hoa hòe thô sang xuất rutin có giá trị cao hơn nhiều lần), từ đó làm tăng giá bán nguyên liệu đầu vào (hoa hòe) của người nông dân từ 30 - 50%; đồng thời giúp cho Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Đạt Doan lập phương án và đầu tư xây dựng một nhà máy chiết suất rutin từ hoa hòe, qua kinh nghiệm học tập của Công ty Quế Hòe. Mô hình TDKT sản xuất vàng mã xuất khẩu của Công ty TNHH sản xuất Hà Phương đã giúp Công ty mở rộng quy mô sản xuất, từ số vốn đầu tư ban đầu gần 10 tỷ đồng, đến nay, Công ty đã nâng tổng vốn đầu tư lên gần 30 tỷ đồng; số lao động vệ tinh tăng từ 1.000 người lên đến 3.000 người; doanh thu của Công ty tăng từ 20 tỷ đồng năm 2006 lên đến 74 tỷ đồng năm 2008. Từ việc phát triển sản xuất của Công ty Hà Phương, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong Tỉnh đầu tư sản xuất giấy vàng mã để làm nguyên liệu cung cấp cho Công ty này, góp phần thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.

Năm 2007, Trung tâm thực hiện mô hình TDKT chế tạo máy in Flexo của Công ty TNHH Quốc Hòa, đã góp phần quảng cáo sản phẩm máy in của Công ty Quốc Hòa, doanh thu của Công ty từ 10 tỷ đồng năm 2007 tăng lên 14 tỷ đồng năm 2008. Từ thành công của mô hình, đã tạo động lực cho Công ty tiếp tục nghiên cứu và phát triển sản phẩm máy in Offset, máy cắt cuộn, máy làm gạch ốp lát vi tính. Mô hình TDKT cấp đông để bảo quản và chế biến hải sản của Công ty TNHH Biển Đông đã góp phần tăng giá trị mặt hàng hải sản do chủ động nguồn hàng, tăng giá trị hải sản đầu vào cho ngư dân. Kết quả, Công ty có sự tăng trưởng rõ rệt: Năm 2007, Công ty đầu tư 1,2 tỷ đồng, doanh thu đạt 15 tỷ đồng, số lao động là 200 người, thì đến năm 2009, tổng vốn đầu tư là 5 tỷ đồng, doanh thu dự kiến đạt 22 tỷ đồng, số lao động là 300 - 400 người. Từ thành công của mô hình cấp đông chế biến hải sản, năm 2009, Công ty Biển Đông đã tiếp tục đầu tư một dây chuyền chế biến tôm nõn xuất khẩu, với công nghệ tự động, hiện đại.

Năm 2008, Trung tâm thực hiện 5 mô hình trình diễn kỹ thuật: Sản xuất dạ, nỉ từ dư liệu của ngành may mặc; sản xuất cửa nhựa lõi thép uPVC; sản xuất găng tay nhúng cao su; mô hình than hóa khí để thay thế khí mỏ phục vụ công nghiệp sản xuất sứ vệ sinh; sản xuất mỳ ăn liền. Đặc biệt, mô hình than hóa khí của Công ty Hảo Cảnh đã mang lại hiệu quả cao cho Công ty, được nhiều doanh nghiệp tham quan, học tập và đầu tư để đáp ứng nhu cầu khí đốt phục vụ công nghiệp sản xuất sứ vệ sinh, gạch ốp lát. Bên cạnh đó, mô hình sản xuất mỳ ăn liền đã giúp Công ty Đức Nam mở rộng thị trường, tăng khả năng cạnh tranh, đến nay, sản phẩm mỳ ăn liền thương hiệu DUNAMI của Công ty đã có mặt trên thị trường hầu hết các tỉnh, thành phố phía Bắc. Chỉ sau một năm sản xuất, Công ty dự kiến năm 2009 sẽ đạt doanh thu trên 30 tỷ đồng.

2. Một số kinh nghiệm ban đầu về việc tổ chức thực hiện đề án xây dựng mô hình TDKT ở Thái Bình

Từ kết quả xây dựng mô hình TDKT của Trung tâm Khuyến công trong những năm qua, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm ban đầu như sau:

Một là, để xây dựng thành công các mô hình TDKT, phải có sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp địa phương và UBND tỉnh, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Sở Công Thương; Đồng thời có sự phối hợp, giúp đỡ của UBND các huyện, xã nơi tổ chức thực hiện đề án và có sự tham gia tích cực, nhiệt tình của các doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện từ việc chuẩn bị, xây dựng đến tổ chức hội nghị giới thiệu mô hình. Đặc biệt, một vấn đề không thể thiếu được đó là sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước.

Hai là, Trung tâm Khuyến công phải có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật tinh thông nghề nghiệp, hăng say nhiệt tình với công việc được phân công, đồng thời phải am hiểu kiến thức xã hội. Cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị và phương tiện đủ mạnh để có điều kiện tổ chức triển khai mô hình TDKT.

Ba là, phải làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu về mục đích, ý nghĩa, nội dung, đối tượng, chương trình tổ chức thực hiện và xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, giúp cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thấy rõ để tham gia, tham quan, học tập.

Bốn là, việc lựa chọn đối tượng, ngành nghề đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phải phù hợp với định hướng, quy hoạch phát triển tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành Công nghiệp của Tỉnh, của huyện, thành phố.

Năm là, công tác tổ chức xây dựng mô hình và triển khai thực hiện phải có kế hoạch, có sự chỉ đạo, điều hành, phối hợp, phân công, phân nhiệm cụ thể giữa Trung tâm và đơn vị phối hợp (chủ đầu tư). Phải thường xuyên có sự kiểm tra, giám sát và thống nhất trong và sau quá trình triển khai thực hiện để kịp thời khắc phục khó khăn, đánh giá, rút kinh nghiệm về việc hợp tác kinh doanh, mở rộng sản xuất, nhân rộng mô hình của doanh nghiệp làm bài học cho việc thực hiện các mô hình sau này.
 

Hà Văn Hải, GĐ TTKC Thái Bình