Sau 5 năm hoạt động khuyến công theo Nghị định số 134/2004/NĐ-CP về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và 2 năm triển khai chương trình khuyến công quốc gia theo Quyết định 136/2007/QĐ-TTg, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Sau 5 năm hoạt động khuyến công theo Nghị định số 134/2004/NĐ-CP về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và 2 năm triển khai chương trình khuyến công quốc gia theo Quyết định 136/2007/QĐ-TTg, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Hoạt động khuyến công đã đưa giá trị sản xuất công nghiệp địa phương chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong toàn ngành công nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn, khôi phục và phát triển nhiều ngành nghề, làng nghề.
Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân
Theo đánh giá của Sở Công Thương Phú Thọ, 5 năm qua, tổng kinh phí dành cho hoạt động khuyến công đạt 314.272,436 triệu đồng. Trong đó ngân sách nhà nước là 15.163,88 triệu đồng (chiếm 4,8%); kinh phí do các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư để tham gia các dự án là 291.118,556 triệu đồng (chiếm 95,2%). Với nguồn kinh phí này, Phú Thọ đã đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho 4.960 lao động, tập trung vào các nghề: may, thêu ren xuất khẩu, chế biến hàng lâm sản, sản xuất gạch ceramic, mây tre đan xuất khẩu, chế biến chè xuất khẩu, v.v... Nhờ đó, nhiều ngành nghề, làng nghề đã được khôi phục và phát triển như: đan lát, nón lá, chế biến nông lâm thủy sản, mỳ miến, đồ mộc, mành cọ, trúc, gỗ, đũa gỗ, ván gỗ, sơn mài, dệt thổ cẩm truyền thống, v.v… Sở đã tổ chức đào tạo khởi sự doanh nghiệp cho 1.600 lượt người, đào tạo kiến thức quản trị doanh nghiệp cho 1.040 lượt người, đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho gần 1.300 lượt người; tổ chức 8 đoàn tham quan khảo sát học tập kinh nghiệm. Hỗ trợ xây dựng 22 mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ 42 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư, mở rộng và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào các lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, thực phẩm. Tổ chức 2 hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ 4 lượt sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh tham gia các hội chợ triển lãm. Ngoài ra, hoạt động khuyến công còn hỗ trợ công tác tuyên truyền, lập đồ án quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Theo đánh giá chung, hoạt động khuyến công đã đáp ứng mục tiêu góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển một phần lao động từ nông nghiệp sang làm nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ công nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay, nguồn kinh phí khuyến công còn quá ít, cơ chế điều hành còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư. Nhiều địa phương chưa có mạng lưới khuyến công cấp huyện và cơ sở. Số cơ sở sản xuất tăng nhanh nhưng chưa xứng với tiềm năng, phần lớn quy mô nhỏ, trình độ công nghệ, trang thiết bị lạc hậu, làng nghề và làng có nghề phát triển chậm, sản phẩm làng nghề còn đơn giản, chưa có sản phẩm gắn với văn hóa, du lịch, chưa có sản phẩm đặc trưng, phần lớn làm gia công hoặc bán thành phẩm.
Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghiệp nông thôn
Với mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020, Phú Thọ chủ trương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tập trung vào chương trình hỗ trợ đào tạo truyền nghề và nâng cao tay nghề; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghiệp nông thôn. Tỉnh sẽ bình chọn, phát triển khoảng 4.000 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ tăng nhanh sản phẩm xuất khẩu đạt giá trị khoảng 50 triệu USD. Đến năm 2012, công nghiệp nông thôn phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp 4.000-4.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 45% giá trị toàn ngành Công nghiệp.

Để hoàn thành mục tiêu này, Phú Thọ đề ra một số giải pháp cơ bản như: phối hợp, lồng ghép các chương trình kinh tế liên quan với chương trình khuyến công; tăng cường sự phối hợp hoạt động giữa các ban ngành; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm,đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật cho công nghiệp nông thôn. Đối với các sản phẩm tiêu thụ tại chỗ, các cơ sở sản xuất phải chủ động tổ chức các cửa hàng, các quầy giới thiệu quảng cáo sản phẩm. Với các sản phẩm xuất khẩu, tỉnh sẽ tổ chức xúc tiến thương mại, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, xử lý chất thải, đẩy mạnh thực hiện chương trình sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; huy động các nguồn lực và thực hiện tốt chính sách ưu đãi đầu tư, tài chính tín dụng cho doanh nghiệp công nghiệp nông thôn; tăng cường sự phối hợp hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả hoạt động khuyến công trong tỉnh.

                                                                Nguồn: Sở Công Thương Phú Thọ