Khu vực phía Nam là khu vực kinh tế năng động và đa dạng, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, chuyển dịch cơ cấu nhanh so với các khu vực khác trong cả nước. Khu vực phía Nam cũng là khu vực có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện đại, với số lượng doanh nghiệp nhiều nhất nước, là yếu tố cơ bản bảo đảm cho phát triển dài hạn các ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.

Công tác khuyến công của khu vực phía Nam những năm qua tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT); góp phần trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động; tạo việc làm tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo và phát triển đời sống văn hoá - xã hội ở khu vực nông thôn. Hoạt động khuyến công đã đóng góp tích cực vào thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương. Tham gia tích cực trong triển khai thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là thực hiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, phát triển cho các doanh nghiệp.


Theo báo cáo tại Hội nghị công tác khuyến công khu vực phía Nam được tổ chức ngày 03/8/2017 tại TP. Hồ Chí Minh: Tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2017 của khu vực là 64.710 triệu đồng, tăng 8,00% so với kế hoạch năm 2016. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 22.554 triệu đồng, chiếm 20,25% tổng kinh phí khuyến công quốc gia và chiếm 34,85% kinh phí khuyến công toàn Vùng.


Tính hết tháng 6/2017, hoạt động khuyến công của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đạt được các kết quả: Hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề cho 335 lao động; hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực quản lý, khởi sự doanh nghiệp, hội nghị tập huấn cho 730 người; hỗ trợ xây dựng được 01 mô hình trình diễn kỹ thuật, 48 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất; hỗ trợ gần 99 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ trong nước, 37 cơ sở CNNT xây dựng đăng ký thương hiệu.... Hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp đã được đẩy mạnh, 6 tháng đầu năm 2017, thực hiện tư vấn cho 306 dự án, với doanh thu ước đạt 3.382 triệu đồng, đạt 56,86% kế hoạch.


Ngoài ra, các địa phương còn thực hiện một số hoạt động hỗ trợ các cơ sở CNNT như: Hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp (CCN); cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công; tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT.


Đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy, công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp của khu vực phía Nam đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình khuyến công giai đoạn; nội dung hoạt động  khuyến công cụ thể, rõ ràng phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của đối tượng thụ hưởng. Các chương trình khuyến công triển khai tại các địa phương bước đầu đã hỗ trợ khuyến khích các cơ sở CNNT thúc đẩy sản xuất, đổi mới, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng trưởng đáng kể về doanh thu.


Công tác xây dựng, thẩm định đề án, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện và thanh quyết toán các đề án khuyến công ở một số địa phương (Long An, Bình Phước, Đồng Tháp) đã có chuyển biến tích cực; 6/20 trung tâm của Khu vực đã xây dựng được hệ thống cộng tác viên cấp huyện (Long An, An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Vĩnh Long); 2/20 trung tâm (Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương) đã thành lập được hệ thống khuyến công viên cấp xã.


Hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp tại một số trung tâm bước đầu tạo được thêm nguồn thu, nổi bật là các tỉnh Bình Thuận, Bình Phước, Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ có doanh thu từ hoạt động tư vấn và phát triển công nghiệp tăng cao hơn các trung  tâm của các tỉnh khác trong khu vực.


Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khuyến công khu vực phía Nam còn những hạn chế như: Công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, đề xuất các đề án khuyến công và chất lượng đề án của một số địa phương chưa đa dạng, ít đề án có khả năng lan tỏa, mang tính liên tỉnh, liên vùng. Tiến độ thực hiện kế hoạch một số nội dung hoạt động khuyến công còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp; việc bố trí ngân sách cho hoạt động khuyến công ở một số địa phương còn thấp, thiếu hấp dẫn, khó khăn cho quá trình triển khai; cơ sở vật chất và phương tiện làm việc của một số Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp còn thiếu, đội ngũ viên chức làm công tác khuyến công chưa thực sự mạnh và chuyên nghiệp; công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện đề án khuyến công còn hạn chế; công tác thông tin tuyên truyền các chính sách khuyến công ở địa phương chưa được như mong đợi, vẫn còn nhiều đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công chưa tiếp cận được thông tin... Hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp của một số địa phương chưa được đẩy mạnh, nguồn thu từ hoạt động này còn thấp.


Để hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2017, theo Bộ Công Thương các hoạt động khuyến công trong khu vực cần được triển khai mạnh mẽ và đa dạng về nội dung, hình thức, lĩnh vực; nâng cao chất lượng và hiệu quả, cụ thể: Các địa phương cần chủ động trong công tác tham mưu đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến công đáp ứng kịp thời với yêu cầu thực tiễn; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai đề án khuyến công; đẩy mạnh việc xây dựng các chương trình, đề án khuyến công trong một số ngành, lĩnh vực là thế mạnh điển hình của địa phương để hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo nên chuỗi giá trị gia tăng cao.


Đồng thời, trong công tác khuyến công cần tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm, phát triển ngành và hoạt động khuyến công; đổi mới, đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền hoạt động khuyến công, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến văn bản, quy định mới về công tác khuyến công...


KC.(ARIT)