Giữa phát triển làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và phát triển du lịch có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là cả một môi trường kinh tế - văn hóa - xã hội và công nghệ có tính chất truyền thống lâu đời, nó bảo tồn và lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật, những kỹ nghệ, kỹ thuật truyền từ đời này sang đời khác đúc kết ở những thế hệ nghệ nhân tài hoa tinh xảo.


 Với những giá trị chứa đựng bên trong, vị thế và phong cảnh làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp sẽ là các điểm du lịch lý tưởng cho khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế đến tham quan, tìm hiểu và mua sắm hàng mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề, nơi sản xuất ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị mỹ nghệ cao, tiêu biểu độc đáo cho địa phương nói riêng, cho đất nước nói chung làm vật kỷ niệm, quà tặng trong chuyến du lịch. Thực tế nhu cầu mua sắm của du khách là rất lớn, các làng nghề, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề sẽ dần đáp ứng nhu cầu tinh tế và đa dạng của khách du lịch.


 Đất nước ta nói chung, Hà Nội nói riêng, làng nghề có một vị trí vô cùng quan trọng, phát triển làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Thực tế cho thấy việc phát triển các làng nghề không chỉ tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn đang dư thừa mà còn nâng cao mức sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. Hệ thống làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chính là một trong những nguồn tài nguyên du lịch cực kỳ quan trọng. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, hình thức du lịch làng nghề còn góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hoá độc đáo của địa phương, của dân tộc. Trong những năm gần đây, loại hình du lịch làng nghề truyền thống, làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Việt Nam và vùng đồng bằng sông Hồng nói chung, Hà Nội nói riêng ngày càng hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời, phương pháp và cách sáng tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng ở mỗi địa phương, mỗi vùng miền và cả nước.


 Thành phố Hà Nội với vị thế là thủ đô, trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội của cả nước, Hà Nội còn có rất nhiều sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ truyền thống đa dạng tạo nên tính hấp dẫn và ấn tượng đối với khách du lịch. Đồng bằng sông Hồng còn là nơi chứa đựng các giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc thể hiện ở các khu di tích, khu du lịch sinh thái, khu du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh… Trong khu vực có lợi thế của một số di sản văn hóa thế giới và nhiều làng nghề truyền thống như: Phú Thọ có di tích Đền Hùng với hát xoan, Bắc Ninh với hát quan họ, Hà Nam với chèo văn, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc tử giám, phố cổ Hà Nội; chùa Trăm gian, Tây Phương, Cổ Loa, Bái Đính, Hoa Lư, Côn Sơn - Kiếp Bạc; đền Quán Thánh, Trần, Phủ Dày; thắng cảnh Hồ Tây, du lịch sông Hồng, du lịch làng cổ Đường Lâm; dệt lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, thủ công mỹ nghệ Chương Mỹ, Phú Xuyên, sơn mài Hạ Thái, Thường Tín, Hà Nội, đồ gỗ Đồng Kỵ, Bắc Ninh..., trong đó một số làng nghề được bảo tồn gắn với phát triển du lịch. Với lợi thế về nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đến nay các làng nghề của Hà Nội đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động không chỉ trong lĩnh vực làng nghề mà còn cả cho các nghề khác, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đa dạng, tinh xảo, từng bước đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, nhiều sản phẩm đã đạt giải thưởng trong các cuộc thi hàng thủ công mỹ nghệ trong nước và quốc tế, được khách hàng trong nước và ngoài nước biết đến, ưa chuộng, phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ của địa phương, điển hình có những sản phẩm đặc trưng mang lợi thế cao về xuất khẩu.


 Hà Nội có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 47/52 nghề của toàn quốc, thu hút 739.630 người tham gia sản xuất với 175.889 hộ gia đình, bao gồm 2.063 Công ty cổ phần, 4.562 Công ty trách nhiệm hữu hạn, 1.466 doanh nghiệp tư nhân, 164 hợp tác xã và 50 Hội, hiệp hội, trong đó có 281 làng nghề được công nhận với 464.589 người chiếm 79% tổng số lao động trong các làng nghề với 142.071 hộ sản xuất, với nhiều địa danh nổi tiếng và các sản phẩm nghề thủ công độc đáo, đặc biệt hấp dẫn du khách. Giá trị sản xuất làng nghề đạt tới 12.200 tỷ đồng, trong đó 9.630 tỷ đồng của 281 làng nghề được công nhận, thị trường làng nghề chiếm 80% trong nước, 20% là xuất khẩu đi Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan... Một số làng nghề có giá trị sản xuất cao và ký hợp đồng xuất khẩu mang lại giá trị xuất khẩu cao như: sơn mài Hạ Thái, mây tre đan Ninh Sở (Thường Tín); dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông); gốm sứ Bát Tràng, Giang Cao (Gia Lâm); điêu khắc tạc tượng Sơn Đồng (Hoài Đức); điêu khắc gỗ Dư Dụ (Thanh Oai); khảm trai xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên); nghề mộc Chàng Sơn (Thạch Thất)…


 Với vai trò hết sức quan trọng của làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đối với quá trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội miền Bắc và cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng, trong những năm qua, Nhà nước và các chính quyền các địa phương, đặc biệt là Hà Nội đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển làng nghề nói chung, làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nói riêng và bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực, đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình phát triển du lịch của địa phương, của vùng và cả nước, hiện nay được xem là một trong số các điểm tham quan hấp dẫn và thu hút phần lớn du khách đến miền Băc. Nhờ có vị thế tương đối thuận lợi, trung tâm, nằm trên các trục đường giao thông chính, cả đường bộ, đường sông, đường hàng không và gần đường biển, điều này không chỉ tạo điều kiện lưu thông hàng hóa mà còn thuận tiện cho việc xây dựng tour, tuyến, điểm du lịch. Du khách đến với Hà Nội và các tỉnh lân cận, ngoài việc được ngắm phong cảnh du lịch làng quê, còn được thăm nơi sản xuất của các làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thậm chí có thể tham gia vào một phần quá trình tạo ra sản phẩm. Du khách có thể “cùng làm, cùng ăn, cùng nghỉ ngơi” và tham gia các hoạt động hằng ngày, các hoạt động văn hóa của người dân tại địa phương…

Chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của làng nghề truyền thống, làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Bên cạnh đó, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống cũng là một phần quan trọng của du lịch. Đây là một trong ít mặt hàng phản ánh văn hóa bản địa đặc sắc, có thể được ví như biểu tượng văn hóa và nghệ thuật của một quốc gia, là nhân tố quan trọng để hấp dẫn du khách. Chính vì vậy, phần lớn các đơn vị, các hộ sản xuất kinh doanh trong các làng nghề đã khởi đầu có bước chuyển biến mới trong tổ chức sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, quan tâm đến thị hiếu người tiêu dùng và đã có những mẫu mã mới phục vụ du lịch, quà tặng..., nâng cao đời sống và thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới.


 Huy Quang – PCNHT